Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Đại hội XIII đã thành công rất tốt đẹp
Công tác an ninh, an toàn được đảm bảo tuyệt đối nhất là khi dịch Covid đang diễn biến phức tạp, tránh được tình trạng "gặp gỡ nhau chè chén vận động, xin phiếu bầu", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh
Ngay sau lễ bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dự cuộc họp báo tại Trung tâm Báo chí Đại hội. Họp báo đã diễn ra trong 55 phút thay vì 40 phút như dự kiến.
Trước khi trả lời các câu hỏi của các nhà báo, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ sự vui mừng về kết quả của Đại hội XIII. "Phải nói rằng Đại hội XIII của Đảng đến giờ phút này có thể báo cáo đã thành công rất tốt đẹp cả về nội dung, cách thức. Đại hội đã rút ngắn được hai ngày so với dự kiến nhưng vẫn đảm bảo được mọi việc suôn sẻ".
Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước cũng chia sẻ cảm nhận của riêng cá nhân ông về Đại hội, cảm thấy rất vui mừng phấn khởi. "Tôi cũng dự nhiều Đại hội và có lẽ đại hội này là thành công nhất và thành công thực sự kể cả nội dung hình thức, cách thức tổ chức, cả lề lối làm việc cũng như kết quả cuối cùng khi Đại hội thông qua nghị quyết".
Đại hội thành công vì được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, công tác Đại hội khó nhất là khâu chuẩn bị văn kiện. Văn kiện lần này nhiều lắm, từ báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện nghị quyết của Đại hội 12, đến các báo cáo tổng kết nhìn lại quá trình 35 năm đổi mới, báo cáo chính trị, báo cáo phát triển kinh tế xã hội và báo cáo xây dựng Đảng và Điều lệ Đảng... nhưng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và sửa đi sửa lại nhiều lần.
Công tác văn kiện đã được chuẩn bị suốt từ năm 2018, sửa đi sửa lại hơn 80 lần, lấy ý kiến của các ngành các cấp các cơ quan, lần đầu tiên đăng toàn văn công khai trên báo chí để lấy ý kiến nhân dân, tổng hợp ý kiến các đại diện các cấp.
"Có các báo cáo đó, khi ra Đại hội, chúng tôi làm báo cáo tổng hợp chung, báo cáo các văn kiện trình Đại hội, với các nội dung chính. Đây là cách làm mới của Đại hội lần này và đây là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân chứ không phải là của một nhóm biên tập hoặc một cơ quan nào. Điều này cũng giải thích vì sao mà văn kiện được thảo luận nhanh và phong phú như thế", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết.
Đặc biệt, cơ quan chức năng cũng lần đầu tiên công khai trên báo để toàn dân đóng góp ý kiến, tổng hợp ý kiến từ các cấp bổ sung vào để hoàn thiện văn kiện.
Bên cạnh việc chuẩn bị văn kiện Đại hội, công tác nhân sự là điểm mới thứ hai được Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước đánh giá cao. "Công tác nhân sự được làm từ năm 2018 và chưa bao giờ được chuẩn bị chu đáo, cẩn thận và thận trọng khách quan, công tâm như thế, làm từng bước, từng việc, từ dễ đến khó, từ rộng đến hẹp, làm từng việc một."
Việc chuẩn bị danh sách Ban chấp hành Trung ương và các cơ quan lãnh đạo khác cũng phải làm từng bước một và lấy ý kiến các cơ quan. Điều này cũng giải thích tại sao khi đưa ra Đại hội bàn không nhiều và nhận được sự thống nhất nhanh.
Với sự chuẩn bị chu đáo đó nên việc bầu Ban chấp hành Trung ương một lần là xong, đầy đủ cả chính thức và dự khuyết. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương khoá 13 họp và bầu Bộ chính trị, Tổng Bí Thư, Uỷ ban Kiểm tra trung ương, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra trung ương, bầu một buổi là xong, bầu rất nhanh và thống nhất cao, công tâm.
Điểm mới thứ 3 theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đó là công tác tổ chức phục vụ Đại hội đã làm rất tốt. "Tôi dự nhiều Đại hội rồi và hiếm có Đại hội nào lại chuẩn bị chu đáo nơi ăn chốn ở, phương tiện các đoàn, tạo mọi điều kiện cho các đại biểu. Công tác an ninh, an toàn cũng được đảm bảo tuyệt đối nhất là khi dịch Covid đang diễn biến phức tạp, tránh được tình trạng "gặp gỡ nhau ăn uống chè chén vận động, xin phiếu bầu".
"Không khí tin cậy lẫn nhau, hồ hởi phấn khởi khi đất nước phát triển và Đại hội thành công. Đại hội tổng kết, rút ra được nhiều nội dung không chỉ cho 5 năm mà cả phương hướng cho giai đoạn tới… phấn đấu đến năm 2045 Việt Nam phải trở thành nước phát triển ở trình độ khá," Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh thêm.
Mục tiêu cao nhất là hiện thực hoá Nghị quyết
Đặc biệt, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, thành công của Đại hội không chỉ là thông qua được Nghị quyết hay bầu ra Ban Chấp hành mới mà quan trọng hơn là phải đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, biến nó thành hiện thực, thể chế hóa, cụ thể hóa thành chủ trương, chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống, làm sao nước giàu, dân mạnh-đó mới là thành công của Đại hội.
"Vừa qua khâu chỉ đạo thực hiện vẫn là khâu yếu nên cần chỉ đạo thống nhất, phải tạo ra của cải vật chất cho người dân, nước phải giàu, dân phải mạnh và hạnh phúc. Đó mới là mục tiêu quan trọng nhất, đó mới là thành công của Đại hội. Chứ không phải Nghị quyết xong vỗ tay là xong", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Đặc biệt, Đại hội thành công rất tốt đẹp, đã truyền được cảm hứng, quyết tâm, ý chí để đưa đất nước phát triển.
"Đại hội phải làm cho Đảng đã đoàn kết rồi phải đoàn kết hơn nữa, mong đất nước phát triển mạnh mẽ lên," Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
Nhấn mạnh về vai trò của báo chí, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, với đội ngũ báo chí tham gia đưa tin đông đảo, có tâm huyết, nhiệt tình và trình độ, các nhà báo đã đóng góp rất nhiều vào thành công của Đại hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ và mong báo chí truyền tải khí thế của đại hội để tạo bước tiến mới cho Việt Nam không thua kém quốc gia nào trên thế giới.
"Chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, vị thế, uy tín như ngày hôm nay - Câu này tôi nói cách đây 3 năm, nay đã được Đại hội thảo luận và đưa câu này vào nghị quyết. Và tôi có đầy đủ cơ sở để chứng minh là đúng và tự hào để làm tiếp," Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh..
Cảm ơn lời chúc mừng của các nhà báo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bảo rằng ông vẫn nói với mọi người là "chúc mừng hay chúc lo. Mừng thì mừng rồi, lo nhiều hơn". "Sắp tới nhiệm vụ còn lớn, nhiều, nặng nề, khó khăn, phức tạp, nhiều nguy cơ, nhiều diễn biến phức tạp mà chúng ta chưa lường hết được", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu cảm nhận.
"Tôi không được khoẻ lắm, tuổi cũng cao rồi, tôi xin nghỉ, nhưng Đại hội bầu nên vẫn phải làm và là đảng viên thì phải chấp hành và tôi sẽ cố gắng hết sức, nhưng làm được hay không phải là ở tập thể, phải đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, toàn Đảng toàn quân toàn dân, đoàn kết nhất trí thống nhất mới làm được, cá nhân vai trò quan trọng nhưng chỉ là cá nhân thôi".
Chống tham nhũng: không dừng không nghỉ không kể đó là ai
Trả lời câu hỏi của nhà báo liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp tục khẳng định chống tham nhũng là vấn đề lớn, không chỉ có ở ta, nước nào cũng có, không chỉ thời nay mà thời nào cũng có, mà chỉ có nhiều hay ít, rộng hay hẹp, là bệnh của những người có quyền, có chức mà nắm trong tay tiền của nữa thì rất dễ tham nhũng, tiêu cực lợi ích nhóm, chống tham nhũng và tiêu cực. Cuộc phát động này từ 2013 khi Tổng bí thư được phân công làm trưởng Ban chi đạo phòng chống tham nhũng. Từ 2013 đến bây giờ làm liên tục, xử bao nhiêu vụ, nhiều Uỷ viên trung ương, uỷ viên Bộ chính trị đã đi tù, thu hồi tài sản lên tới hàng triệu USD.
"Chống tham nhũng theo tinh thần không dừng không nghỉ không kể đó là ai". Tổng Bí thư cũng kể thêm: trước đây có lúc thấy tôi yếu thì lo trùng xuống, sắp đến đại hội có làm không? Tôi nói: mai Đại hội thì đến ngày xét xử vẫn đưa ra toà, gần Đại hội vẫn đưa ra xử, đến cả Uỷ viên Trung ương, Bí thư tỉnh thành phố lớn.. Sát Đại hội còn khởi tố, nhưng làm không phải vì trị ai hay thù oán ai, mà làm hoàn toàn nhân văn nhân đạo.
"Tôi vẫn muốn nhắc lại câu của bác Hồ: cưa một cành cây mọt sâu để cứu cả cây, xử một vài người để răn đe giáo dục ngăn ngừa vi phạm. Cảnh tỉnh răn đe là chính chứ không phải cốt xử cho nhiều, xử cho nặng mới là nghiêm", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
"Đấu tranh chống tham nhũng phức tạp khó khăn đến như thế. Nếu không có bản lĩnh, dũng khí, không có tình cảm chân chính thì sẽ không làm được. Ai chả thích của thích tiền nhưng danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất, chết không mang theo được", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắn nhủ.
Với việc xác định đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết: kết quả thực hiện vừa qua mới là ngăn ngừa, hạn chế nó một bước. "Chứ còn chức, còn quyền, còn tiền, nếu không tu dưỡng thì tham nhũng sẽ vẫn tiếp tục. Nên cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn gian nan lắm".