13:31 27/11/2022

Tổng Bí thư: Muốn đất nước phát triển phải “yên dân và trừ bạo”

Nhật Dương

Muốn đất nước phát triển bền vững cần phải "khoan thư sức dân", phải yên dân và trừ bạo, làm sao để mọi người dân được sống mạnh khỏe, an cư, an toàn và an tâm, hạnh phúc, hăng say học tập, lao động, đóng góp, cống hiến cho gia đình, quê hương, đất nước…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh - Quang Vinh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh - Quang Vinh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc gặp mặt 64 đại biểu đại diện cho đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở tiêu biểu trong cả nước chiều 26/11.

“LẤY DÂN LÀM GỐC” LÀM NỀN TẢNG HOẠT ĐỘNG CỦA MẶT TRẬN

Báo cáo tại cuộc gặp mặt với Tổng Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, các đại biểu tham dự Hội nghị có đầy đủ thành phần đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số, tôn giáo, hội viên người cao tuổi, cựu chiến binh, Nông dân, thanh niên, phụ nữ đến từ mọi miền của Tổ quốc. Phần lớn đại biểu đều có quá trình gắn bó với công tác Mặt trận từ 10 đến trên 20 năm. Đại biểu cao tuổi nhất là ông Tô Văn Tồn, 82 tuổi, là đại biểu của tỉnh Long An, đại biểu trẻ tuổi nhất là ông Cao Xuân Long, 26 tuổi, dân tộc Chứt, là đại biểu của tỉnh Quảng Bình.

Đặc biệt, 64 đại biểu vinh dự được Tổng Bí thư gặp mặt là những người có thành tích xuất sắc, tuyệt đại đa số được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong dịp này. Nhiều đại biểu lần đầu tiên được đến thăm Thủ đô Hà Nội, được vào Lăng viếng Bác Hồ, được đi thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng.

64 đại biểu được đến thăm trụ sở Trung ương Đảng, được gặp mặt Tổng Bí thư có đại biểu cao tuổi nhất là ông Phạm Văn Khắc, 75 tuổi - là đại biểu của tỉnh Bắc Kạn; đại biểu trẻ tuổi nhất là ông Hồ Văn Hạn, 38 tuổi, dân tộc Cor - là đại biểu của tỉnh Quảng Ngãi.

Trong đó có 18 đại biểu là người dân tộc thiểu số, có 7 đại biểu là người theo tôn giáo, có 50 đại biểu là Chủ tịch Mặt trận cấp xã, có 14 đại biểu là Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; thúc đẩy phát triển các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; tích cực xóa đói, giảm nghèo…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề nhân dân quan tâm, dư luận bức xúc như: Thiên tai, lũ lụt; dịch Covid-19 và một số dịch bệnh mới xuất hiện; mất an toàn về cháy, nổ, giao thông, khiếu kiện, tệ nạn quan liêu, tham nhũng, tiêu cực; một số vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng…

Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng những vấn đề này đặt ra yêu cầu cao hơn nữa đối với vai trò, trách nhiệm của các cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở, và lưu ý cần đặt tư tưởng "dân là gốc" làm nền tảng cốt lõi cho hoạt động của cán bộ làm công tác Mặt trận ở tất cả các cấp. Muốn đất nước phát triển bền vững cần phải "khoan thư sức dân", phải yên dân và trừ bạo, làm sao để mọi người dân được sống mạnh khỏe, an cư, an toàn và an tâm, hạnh phúc, hăng say học tập, lao động, đóng góp, cống hiến cho gia đình, quê hương, đất nước.

CÁN BỘ MẶT TRẬN PHẢI TÍCH CỰC GẦN DÂN

Trước những bối cảnh đó, Tổng Bí thư mong muốn Mặt trận Tổ quốc các cấp, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tiếp tục gắn bó sâu sát hơn nữa với cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình nhân dân để tham mưu, kiến nghị kịp thời, đầy đủ tới cấp ủy đảng, chính quyền.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đại biểu tham dự buổi gặp mặt. Ảnh - Quang Vinh. 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đại biểu tham dự buổi gặp mặt. Ảnh - Quang Vinh. 

Mặt trận Tổ quốc các cấp cần thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, chu toàn đường lối, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chăm lo, hỗ trợ đối với người khó khăn, yếu thế...

Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, là nòng cốt tích cực trong đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn, tố giác đối với các trường hợp tham ô, tham nhũng, tiêu cực tại địa bàn, cơ sở.

Tổng Bí thư yêu cầu, công tác tuyên truyền, giáo dục cần làm tốt hơn nữa, giúp người dân nhận thức đầy đủ, cụ thể hơn về nghĩa vụ và quyền lợi của mình; về vị trí, vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của Mặt trận ở cơ sở.

“Muốn người dân tin yêu hơn, hỗ trợ, giúp đỡ Mặt trận nhiều hơn, mỗi cán bộ Mặt trận cần tích cực gần dân, gương mẫu, đi trước, đi đầu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, hướng dẫn nhân dân trong các công việc của cộng đồng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ, không sợ khó, sợ khổ, bởi những gì chúng ta làm, cống hiến sẽ được người dân ghi nhận”, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cũng nêu rõ, công tác giám sát, phản biện xã hội là các nội dung lớn đã và đang được Đảng, Nhà nước cụ thể hóa, tuy nhiên, có lúc, có nơi, có địa phương, Mặt trận ở cơ sở vẫn chưa sử dụng hết quyền của mình trong hoạt động này, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm, quy trình thực hiện. Thậm chí có nơi bỏ qua vấn đề, nội dung cần thiết có sự giám sát, phản biện xã hội. Một số nơi còn tâm lý nể nang, ngại va chạm trong giám sát hoạt động khối cơ quan đảng, chính quyền.

Vì vậy, Tổng Bí thư đề nghị cần quyết liệt hơn nữa, nâng cao nhận thức, phát huy vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không nể nang, né tránh và thực hiện thường xuyên, quyết liệt hơn nữa để thực sự đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, sự mong đợi của xã hội.

Đội ngũ cán bộ Mặt trận cấp cơ sở có vai trò, vị trí rất quan trọng, là những người có uy tín, ảnh hưởng cao trong cộng đồng dân cư, luôn làm việc với tinh thần: "Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm", "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân".

Tổng Bí thư cũng đề nghị tiếp tục phát huy và lan tỏa rộng rãi hơn nữa; luôn luôn cầu thị, lắng nghe và tham gia giải quyết phản ánh, kiến nghị của nhân dân; thường xuyên trau dồi, phát huy những phẩm chất tốt đẹp, trong sáng, tinh thần nêu gương, mẫu mực, kiên định niềm tin và biết dựa vào nhân dân để phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Lấy chăm lo cuộc sống, lợi ích của nhân dân để định hướng mục tiêu hoạt động, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả công việc, đánh giá cán bộ.