Tổng Bí thư Tô Lâm: Chăm lo cho người có công là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài
Công tác chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, Tổng Bí thư Tô Lâm nói tại cuộc gặp gỡ 250 người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu, sáng 24/7...

Tại chương trình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, lịch sử dân tộc Việt Nam là bản hùng ca bất diệt về ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần yêu nước nồng nàn và sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ.
THÀNH QUẢ SỰ CỐNG HIẾN, HY SINH TO LỚN QUA CÁC CUỘC CÁCH MẠNG
Theo Tổng Bí thư, gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, toàn thể dân tộc ta đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Để làm nên những thắng lợi vĩ đại đó, hàng triệu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống dưới mưa bom, bão đạn, hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của Nhân dân. Máu đào của họ đã tô thắm lá cờ Tổ quốc, hun đúc nên sức mạnh tinh thần dân tộc và khát vọng vươn lên mãnh liệt.
“Ngày nay, đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay là kết quả của quá trình kết tinh ngàn năm văn hiến của dân tộc, đặc biệt là thành quả to lớn sau 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 80 năm xây dựng và phát triển Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 40 năm kiên định con đường đổi mới toàn diện.
Đó cũng là thành quả của sự cống hiến không ngừng nghỉ và sự hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ, đảng viên và lớp lớp quần chúng nhân dân qua các thời kỳ cách mạng”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tại cuộc gặp mặt, Tổng Bí thư xúc động tri ân gần 1,2 triệu liệt sĩ – những người con ưu tú đã dũng cảm xung phong ra trận, anh dũng chiến đấu và hy sinh quên mình.
Nhiều người tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, đã gác lại bao ước mơ, hoài bão, những trang sách, giảng đường, gia đình, người thân nơi hậu phương để lên đường thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.
“Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do”, Tổng Bí thư khẳng định.
Cùng với đó, Tổng Bí thư cũng tri ân những người đã mãi mãi không trở về, vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ ở khắp các chiến trường ác liệt, từ Bắc vào Nam. Có người được may mắn trở về nhà, nhưng đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường, hoặc bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam.
Không ít những đứa trẻ sinh ra trong hòa bình nhưng phải chịu rất nhiều thiệt thòi, mang trong người di chứng nặng nề của chiến tranh mà không có gì bù đắp được...
GIẢI QUYẾT "THẤU TÌNH ĐẠT LÝ" ĐỀ XUẤT, NGUYỆN VỌNG CỦA NGƯỜI CÓ CÔNG
Tổng Bí thư khẳng định, "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" là đạo lý, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Trong suốt 78 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là: "Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc", là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và đạo lý Việt Nam. Công tác "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" không chỉ là một chính sách lớn, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, trách nhiệm chính trị, đạo lý của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện.

Đến nay, đã có hơn 9,2 triệu người có công được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Đời sống vật chất và tinh thần của người có công và thân nhân đã được cải thiện.
Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng và Nhà nước ta còn chăm lo người có công bằng các chính sách cụ thể, như chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo...
Để phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, trong thời gian tới, Tổng Bí thư đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, phát huy mạnh mẽ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.
Quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 14/CT-TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng; Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn.
“Xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Hai là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Chủ động nắm tình hình, giải quyết “thấu tình đạt lý” những đề xuất, tâm tư, nguyện vọng, và quyền lợi chính đáng của người có công với cách mạng và thân nhân.
Thực hiện kịp thời các thủ tục hành chính trong việc xem xét công nhận người có công và chi trả trợ cấp ưu đãi đảm bảo thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn khi sắp xếp đơn vị hành chính, và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Tập trung đầu tư trang, thiết bị, phương tiện vật chất, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác giám định gen (ADN), xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Bốn là, kết hợp việc bố trí tăng ngân sách nhà nước với việc đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng. Quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở..., trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Năm là, nâng cao chất lượng các phong trào, chính sách hậu phương quân đội, các chương trình tình nghĩa, phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội.

Sáu là, Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và Nhân dân trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng.
Thực hiện tốt việc giám sát quá trình xây dựng và thực hiện chính sách người có công với cách mạng; thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công với cách mạng, kiến nghị với cấp ủy và cơ quan nhà nước các cấp kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi người có công với cách mạng.
Sau cùng, Tổng Bí thư khẳng định, sự phát triển hùng cường của đất nước chính là lời tri ân thiết thực và ý nghĩa nhất, bởi những người đã ngã xuống và bao thế hệ người có công với cách mạng luôn mang trong mình khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc.
Cũng tại chương trình, Tổng Bí thư Tô Lâm, lãnh đạo Đảng, nhà nước đã trao tặng những phần quà đến 250 đại biểu dự chương trình gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu năm 2025.
Đồng thời, trao tặng những phần quà đến các Mẹ Việt Nam anh hùng; cán bộ lão thành cách mạng; cán bộ tiền khởi nghĩa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.