16:50 05/11/2022

Tổng Thanh tra Chính phủ: Thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp

Phúc Minh

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, việc xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề khó, nhất là tài sản kinh tế. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản nhũng...

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh - VGP.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh - VGP.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 5/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Thanh tra. Vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt như kỳ vọng được nhiều đại biểu quan tâm và đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ làm rõ.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Nam Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện nay còn 40% - 50% số tài sản chưa được thu hồi lại trong các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương chỉ đạo. Đây là con số không nhỏ vì một vụ án tham nhũng giá trị có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó mới chỉ kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân của các đối tượng phạm tội tham nhũng đang đứng tên chiếm hoặc sở hữu vẫn là một khoảng trống rất lớn, khó kiểm soát. Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp căn cơ nào đặt ra cho việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn. 

Đại biểu Phạm Nam Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông. Ảnh - VGP. 
Đại biểu Phạm Nam Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông. Ảnh - VGP. 

Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt như kỳ vọng và đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết nguyên nhân và giải pháp.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề cập vấn đề việc thực hiện kết luận sau thanh tra bao gồm các nội dung thu hồi tiền, xử lý về tài sản và xử lý cán bộ.

Tuy nhiên, hiện nay qua theo dõi thì thấy việc thực hiện kết luận của thanh tra ở các địa phương, quan, đơn vị mới chỉ chú trọng đến việc thu hồi tiền, còn nội dung xử lý về tài sản, và xử lý cán bộ thì chưa thực sự được chú trọng. Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra cho biết nguyên nhân của tình trạng trên và những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, về kết luận thanh tra công tác cán bộ, Thanh tra Chính phủ có kiến nghị xử lý về cơ chế chính sách, thu hồi kinh tế, chuyển cơ quan điều tra.

Từ đầu năm, đã xử lý hơn 1.000 tổ chức và hơn 4.000 cá nhân, tuy nhiên việc xử lý sau thanh tra còn hạn chế. Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ chấn chỉnh công tác này, thực hiện đúng theo các kết luận thanh tra.

Liên quan đến việc, xử lý thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh đây là vấn đề khó, nhất là tài sản kinh tế.

Thời gian qua, các cơ quan theo chức năng đã thực hiện những công việc về thu hồi tài sản tham nhũng và đạt tỷ lệ là năm sau cao hơn năm trước. Kết quả 9 tháng năm 2022, thanh tra tiến hành đôn đốc, thanh tra 5.586 kết luận thanh tra. Qua đó, thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021.

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp. Về giải pháp, Tổng Thanh tra cho rằng, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tập trung giải pháp khắc phục như hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản nhũng.

Trong quá trình điều tra và phát hiện dấu hiệu tội phạm phải chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý. Sau thanh tra thi hành án và kịp thời tháo gỡ khó khăn những quá trình thu hồi và tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng. 

Về xử lý chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phối hợp với nhau để từng bước khắc phục, xử lý chồng chéo. Cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán đã phối hợp với nhau ban hành quy chế phối hợp triển khai, xử lý chồng chéo từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra cũng như tổ chức thực hiện thanh tra.

Trong quá trình tổ chức thanh tra nếu phát hiện ra sự chồng chéo thì giữa 2 cơ quan có sự bàn bạc, trường hợp không xử lý được sẽ báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước để trực tiếp trao đổi, thống nhất xử lý.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết thêm trong thời gian tới, sẽ sửa đổi Luật Thanh tra để có quy định về xử lý chồng chéo. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì với bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các cuộc thanh tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, phát hiện và xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Về lâu dài, Thanh tra Chính phủ kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu hoàn thiện pháp luật thanh tra, kiểm toán theo hướng quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.