07:00 28/09/2022

Khó chống tham nhũng, nếu tư duy không thay đổi!

Vũ Khuê

"Các doanh nghiệp đều “đi đêm” để đạt được mục đích kinh doanh của mình, tại sao tôi phải làm khác đi, làm khác đi tôi có lợi gì... Nếu tư duy không thay đổi thì không chống tham nhũng được"...

Chi phí không chính thức vẫn phức tạp.
Chi phí không chính thức vẫn phức tạp.

Trên đây những ví dụ thực tế được các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra thảo luận tại buổi “Ra mắt chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam” ngày 21/9 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức.

“VĂN HOÁ HOA HỒNG” TRỞ THÀNH QUEN THUỘC

Ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú UNDP Việt Nam, cho rằng Việt Nam là một trong số ít quốc gia thăng hạng trong Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức minh bạch quốc tế, tăng 26 bậc trên toàn cầu (từ 113 năm 2017 lên 87 năm 2021).

Theo Chỉ số pháp quyền của Dự án Tư pháp thế giới, Việt Nam là một ngoại lệ trong số các nước Asean khi tăng thứ hạng lên vị trí 88.

Tuy nhiên, thực trạng chỉ ra rằng tham nhũng vẫn dễ dàng xảy ra ở một số lĩnh vực nhất định. Một báo cáo khảo sát doanh nghiệp do VCCI và UNDP công bố tháng 6 vừa qua cho thấy, ít nhất 1 trong số 3 doanh nghiệp tham gia mua sắm công ghi nhận các khoản thanh toán không chính thức nhằm giành được hợp đồng Chính phủ.

Điều đáng lo ngại hơn nữa là “văn hoá hoa hồng” hoặc các khoản thanh toán không chính thức đã trở thành quen thuộc đến mức các doanh nghiệp sẵn sàng trả ngay cả khi không ai yêu cầu.

Theo ông Ian Lydall, Chuyên gia tư vấn chiến lược ICAEW Việt Nam, Cựu Chủ tịch PwC Vietnam, liêm chính còn được hiểu rất ít nhưng lại rất mong muốn đạt được của nhiều tổ chức, cá nhân.

Ông Ian Lydall, Chuyên gia tư vấn chiến lược ICAEW Việt Nam chia sẻ tại hội thảo.
Ông Ian Lydall, Chuyên gia tư vấn chiến lược ICAEW Việt Nam chia sẻ tại hội thảo.

Việc Việt Nam xếp thứ 87 về Chỉ số nhận thức tham nhũng trên tổng số các quốc gia được xếp hạng cho thấy chúng ta còn biên độ lớn để cải thiện.

Ngoài ra, theo khảo sát về liêm chính trong giới trẻ Việt Nam cho thấy, tham nhũng là có hại với thế hệ trẻ và phát triển kinh tế của Việt Nam. Hơn ¾ số người được phỏng vấn không có hoặc có rất ít về liêm chính và chống tham nhũng cũng như các quy định luật pháp về vấn đề này.

Do vậy, để thay đổi điều này, ngoài việc thực hiện chức năng của mình, Chính phủ cần nỗ lực tham gia đấu tranh với tham nhũng, với gian dối trong kinh doanh, trốn thuế và trừng phạt tất cả các hành vi vi phạm pháp luật. Điều này phải được thực hiện một cách quyết đoán, công bằng với tất cả các doanh nghiệp.

Với các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, lãnh đạo doanh nghiệp cần hiểu kinh doanh liêm chính là yếu tố cốt lõi trong hệ thống giá trị của mỗi doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chỉ có thể hoạt động cùng với sự liêm chính khi họ vươn lên so với các đối thủ cạnh tranh, hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư tiềm năng. Kinh doanh liêm chính cần được lồng ghép vào quy trình ra quyết định của doanh nghiệp.

MUỐN TỰ MÌNH PHÁT TRIỂN PHẢI KINH DOANH LIÊM CHÍNH

Ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng, Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, nhận định rằng việc tăng cường liêm chính trong hoạt động kinh doanh trở thành yêu cầu bắt buộc, là quyền lợi đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hiệp quốc về phòng chống tham nhũng cũng như trong nhiều cam kết hội nhập. Tất cả những chế định này đều có yêu cầu phải phòng chống tham nhũng, cơ quan thanh tra chính phủ cùng các nước thành lập nhóm phòng chống tham nhũng của khu vực.

“Điều này đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp muốn tự mình phát triển trong nước hay ngoài nước đều phải có liêm chính trong kinh doanh thì mới tồn tại và phát triển được”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Nhưng nhìn ngược lại, ông Tuyển cho rằng, thực hiện liêm chính doanh nghiệp còn gặp một số thách thức.

Kinh doanh liêm chính có rất nhiều khái niệm mà doanh nghiệp chưa làm quen nên thách thức đầu tiên là nhận thức. Bởi có thời gian dài chúng ta quan niệm, phòng chống tham nhũng là công việc của Đảng, Nhà nước chứ không của riêng cá nhân nào. Nhưng thực tế, phòng chống tham nhũng là việc của toàn xã hội, Nhà nước chỉ là cơ quan định hướng, trọng tài. Còn phòng, chống là yêu cầu đòi hỏi tất cả các bên cùng tham gia.

Do đó, thách thức đầu tiên là phải thay đổi nhận thức, tư duy về vấn đề này. Doanh nghiệp nếu cứ tìm con đường vi phạm pháp luật như thông qua hối lộ, dùng chi phí không chính thức để thoát qua “cửa” nhằm đạt mục đích thì giờ cần thay đổi.

Thách thức nữa, trong Luật Phòng chống tham nhũng đưa ra các biện pháp phòng ngừa tức là các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước cần xây dựng được cho mình một hệ thống các quy định về minh bạch, quy tắc ứng xử, phòng ngừa các xung đột lợi ích.

“Đây cũng chỉ là bước đầu khi xây dựng Luật chúng tôi đưa vào các biện pháp có thể thích hợp trong điều kiện hiện nay. Còn bước tiếp theo Luật sửa đổi sẽ tăng cường hơn các quy định mà doanh nghiệp, tổ chức phải áp dụng”, ông Tuyển cho hay.

Cuối cùng, doanh nghiệp sẽ phải chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước đối với việc có thực hiện hay không. “Với sự tăng cường phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng hiện nay của các cơ quan chức năng cũng như sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thì nếu chúng ta không thực hiện kinh doanh minh bạch, không tăng cường phòng ngừa tham nhũng của chính doanh nghiệp mình thì sẽ gặp rủi ro rất lớn. Thực tiễn, gần đây rất nhiều doanh nghiệp lớn đã phải đối phó với rủi ro đó”, ông Tuyển khuyến cáo.

 

Chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBII) lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam. Chỉ số được xây dựng dựa trên 7 yếu tố, gồm: văn hoá, quy tắc ứng xử, kiểm soát, giao tiếp, ứng xử, tuân thủ và chứng nhận đạt chuẩn.

VBII được khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc mọi quy mô, hình thức sở hữu, lĩnh vực và cơ cấu, công ty niêm yết, công ty tư nhân trong nước, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, hay công ty có vốn nhà nước. Nói cách khác, bất kỳ doanh nghiệp nào quan tâm đến kinh doanh liêm chính và coi tính liêm chính trong kinh doanh là nguyên tắc cơ bản cho sự phát triển của doanh nghiệp đều có thể sử dụng chỉ số này.