06:00 18/07/2021

TP.HCM: Các hiệp hội doanh nghiệp đồng loạt xin gỡ khó “3 tại chỗ”

Lưu Hà

Tính đến ngày 16/7, phần lớn doanh nghiệp quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: giữ chân công nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh và tổ chức đi lại ăn ở cho công nhân theo quy định mới...

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, để thực hiện tốt nhất mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, đảm bảo sức khỏe của người dân, thành phố chỉ cho phép doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất khi đảm bảo một trong hai trường hợp.

Một là, doanh nghiệp phải đảm bảo vừa sản xuất vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm 3 tại chỗ: sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ.

Hai là, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện phương châm "1 cung đường - 2 địa điểm": chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển công nhân tập trung từ nơi ở đến nơi sản xuất (ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung).

DOANH NGHIỆP TP.HCM: CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Ngày 16/7, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) gửi UBND TP.HCM báo cáo và đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ (3T) theo văn bản 2337 của UBND TP.HCM ngày 13/7. Trong văn bản báo cáo, HUBA cho biết hiện nhiều doanh nghiệp có thể bố trí ở tại chỗ, sản xuất tại chỗ nhưng khó bố trí điều kiện ăn uống tại chỗ vì sẽ rất khó bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy và vệ sinh an toàn thực phẩm cho công nhân.

Vì vậy, hiệp hội kiến nghị UBND thành phố cho phép doanh nghiệp được hợp tác với các đơn vị nhà hàng, khách sạn ngành du lịch (đang phải ngừng hoạt động) để cung ứng xuất ăn thường xuyên cho doanh nghiệp theo cách Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) và các khách sạn cung cấp xuất ăn cho các khu cách ly tập trung. 

Về điều kiện thực hiện một cùng đường 2 địa điểm, HUBA kiến nghị thành phố thống nhất chỉ đạo hiểu về khái niệm 1 cung đường 2 địa điểm theo nghĩa rộng hơn, tức là đưa đón công nhân giữa nhà máy và các khu ở tập trung không dừng dọc đường từ chỗ ở đến chỗ làm việc và ngược lại; cho phép các công ty hợp đồng với các đơn vị vận chuyển hành khách để bố trí xe thực hiện việc đưa đón công nhân theo tiêu chí này. 

Đoàn kiểm tra của Bộ phận Thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại Công ty Cổ phần May Nhà Bè.
Đoàn kiểm tra của Bộ phận Thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại Công ty Cổ phần May Nhà Bè.

Theo HUBA, hiện hoạt động của các kho bãi và công tác vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất và hàng hóa sản xuất ra đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều địa phương thuộc thành phố không cho phép các kho bãi hoạt động, nhiều trạm kiểm soát trong thành phố không cho lưu thông vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa sau sản xuất đến nơi tiêu thụ; một số tỉnh ban hành các quy định yêu cầu cách ly đối với người và phương tiện vận chuyển… 

 
Để thực hiện tốt nhất mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, TP.HCM giao Sở Y tế chủ trì, tổ chức thẩm định cho các doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện sản xuất, đảm bảo an toàn phòng chống dịch để được tiếp tục hoạt động. Doanh nghiệp phải thực hiện xét nghiệm định kỳ với công nhân 7 ngày/lần, chi phí do doanh nghiệp tự chi trả.

"Nếu hoạt động kho bãi và vận chuyển lưu thông không được thực hiện thì các nhà máy dù đủ 3 tại chỗ cũng sẽ phải ngừng sản xuất. Vì vậy, đề nghị TP.HCM với vai trò hạt nhân của Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đề nghị Chính phủ có chính sách nhất quán và chỉ đạo các tỉnh, thành thống nhất cách thực hiện, các thủ tục kiểm soát lưu thông để tháo gỡ ách tắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp," ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA nêu kiến nghị.

Cũng theo HUBA, để doanh nghiệp hoạt động ổn định cần phải duy trì đồng bộ hệ sinh thái sản xuất kinh doanh bao gồm các đơn vị đối tác cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, bao gồm năng lượng, hạ tầng, internet; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; nguyên vật liệu; bao bì, đóng gói sản phẩm; vận tải, giao nhận, dịch vụ giao nhận, khai báo hải quan; dịch vụ công chứng, ngân hàng… Vì vậy, các doanh nghiệp đề nghị thành phố thống nhất  cho phép các đơn vị nêu trên được tiếp tục hoạt động cung ứng các dịch vụ cho sản xuất, đồng thời  ban hành các quy định, điều kiện để các doanh nghiệp trong hệ sinh thái nói trên tiếp tục hoạt động. 

DOANH NGHIỆP KHU CÔNG NGHIỆP: MUỐN THUÊ MƯỚN MẶT BẰNG

Trong khi đó, Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) kiến nghị thành phố cho doanh nghiệp được thuê mướn hoặc sử dụng các mặt bằng trong phạm vi quản lý của nhà nước, để bố trí nơi ở tạm thời cho công nhân. 

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA cho biết: Khu công nghệ Cao TP.HCM đã có 70/85 doanh nghiệp đăng ký tiếp tục hoạt động; Khu chế  biến Tân Thuận có 110/250 doanh nghiệp với 8.000 công nhân tiếp tục hoạt động... Tổng cộng có 353/556 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM tiếp tục hoạt động. "Các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao đã thuê rất nhiều khách sạn ở quận 1, quận Bình Thạnh, TP.Thủ Đức cho công nhân ở và tổ chức xe đưa rước công nhân đến nhà máy mỗi ngày. Một số công ty giữ công nhân ở lại nhà nhà máy," ông Bé thông tin.

Dù vậy, theo khảo sát của HBA, việc thực hiện phương châm “một cung đường 2 địa điểm” trên thực tế là rất khó, vì doanh nghiệp có “một điểm đến, nhưng nhiều điểm đón”, do thuê nhiều khách sạn cho công nhân lưu trú. Do vậy mỗi xe đưa rước có chung một điểm đến nhưng tỏa ra đi đón tại các điểm khác nhau.  HBA mong chính quyền quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp được thuê mướn hoặc sử dụng các mặt bằng trong phạm vi quản lý của Nhà nước để làm chỗ ở cho công nhân.

Khu lưu trú của công nhân Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức) trong thời gian thực hiện "3 tại chỗ".
Khu lưu trú của công nhân Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức) trong thời gian thực hiện "3 tại chỗ".

HBA cũng kiến nghị thành phố bố trí ngay hệ thống cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”. Cùng với đó, vì đặc điểm từng nhà máy/công ty có ngành, nghề khác nhau, cách sử dụng lao động trong làm việc và giờ giấc khác nhau, điều kiện ăn ở khác nhau. Chính vì vậy doanh doanh nghiệp kiến nghị các quy định phòng chống dịch cần có sự linh hoạt, ưu tiên cho một số ngành nghề đặc thù và quan trọng.

Ngoài những nội dung này, HBA còn kiến nghị TP nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giao thông hàng hóa, cho áp dụng hình thức dán phù hiệu hoặc logo cho các loại hình xe hàng hóa, xe đưa rước công nhân để dễ kiểm soát, chỉ nên tổ chức 1 đoàn kiểm tra việc thực hiện "3 tại chỗ" dù là kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất... Quan trọng hơn, HBA đề xuất TP.HCM cho công nhân ưu tiên chích ngừa để sớm được hoạt động liên tục.