10:01 23/07/2022

TP.HCM chuẩn bị đền bù, hỗ trợ, tái định cư dự án đường Vành đai 3

Xuân Thái

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM được dự kiến sẽ rất khó khăn, phức tạp vì ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của nhiều cá nhân, tổ chức...

Dự án đường vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn TP.HCM có chiều dài 47,51 km với 2.377 hộ dân bị ảnh hưởng, tái định cư khoảng 752 trường hợp, tổng mức bồi thường, tái định cư là 25.610 tỷ đồng.
Dự án đường vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn TP.HCM có chiều dài 47,51 km với 2.377 hộ dân bị ảnh hưởng, tái định cư khoảng 752 trường hợp, tổng mức bồi thường, tái định cư là 25.610 tỷ đồng.

Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo về công tác chuẩn bị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3.

Theo văn bản chỉ đạo này, Thường trực Ban chỉ đạo 167 (Sở Tài chính) được giao nhiệm vụ khẩn trương rà soát, có ý kiến về việc sử dụng các thửa đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để lập dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án đường Vành đai 3 và các dự án khác trên địa bàn huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi, gửi Sở Xây dựng trước ngày 25/7/2022.

Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Uỷ ban nhân dân các huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh) và TP. Thủ Đức xác định nhu cầu tái định cư của dự án, tham mưu Uỷ ban nhân dân Thành phố lập dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án đường Vành đai 3 trên địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn. Đồng thời rà soát quỹ nhà, đất tái định cư có sẵn để tham mưu Uỷ ban nhân dân Thành phố phân bổ cho các địa phương sử dụng.

Về công tác điều chỉnh các đồ án quy hoạch, Ủy ban nhân dân TP.HCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các huyện nói trên và TP. Thủ Đức rà soát các đồ án quy hoạch có liên quan đến dự án để thực hiện điều chỉnh (nếu có). Đồng thời tham mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân Thành phố các thủ tục về điều chỉnh, quản lý quy hoạch liên quan đến dự án, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành và tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 3.

Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng có hướng dẫn về công tác đo vẽ thành lập bản đồ phục vụ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Cụ thể, đối với công tác lập bản đồ hiện trạng vị trí ranh toàn bộ dự án (có hệ tọa độ VN 2000), giao Trung tâm Đo đạc bản đồ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Đối với bản đồ hiện trạng vị trí từng hộ dân bị ảnh hưởng dự án (có hệ tọa độ VN 2000) giao Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố (TCIP) phối hợp Uỷ ban nhân dân TP. Thủ Đức, Uỷ ban nhân dân các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh lựa chọn đơn vị tư vấn có đầy đủ chức năng, năng lực để thực hiện công tác đo vẽ, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM, với tổng chiều dài 76,34 km.
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM, với tổng chiều dài 76,34 km.

Về kinh phí phục vụ cho công tác chuẩn bị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Uỷ ban nhân dân Thành phố giao Uỷ ban nhân dân TP. Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh rà soát nhu cầu sử dụng kinh phí để phục vụ cho công tác chuẩn bị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đường Vành đai 3, gửi cho TCIP để lập thủ tục tạm ứng theo quy định. Giao Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Thành phố hướng dẫn các đơn vị nêu trên thực hiện việc tạm ứng và giải ngân kinh phí theo quy định.

Về nguồn vốn, Ủy ban nhân dân TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục liên quan đến bố trí vốn cho dự án; tham mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.

Được biết, đền thời điểm hiện nay, TCIP đã chuẩn bị nhân sự, hoàn tất xây dựng phần mềm giám sát dự án, các thủ tục nguồn vốn cho năm 2022 và 2023 (khoảng 5.240 tỷ đồng), chuẩn bị các thủ tục điều chỉnh quy hoạch phân khu. TCIP cũng cho biết, trong tháng 8/2022 phải hoàn tất ranh chính thức của dự án, tháng 10/2022 duyệt quy hoạch phân khu, tháng 11/2022 duyệt dự án khả thi, tháng 6/2023 khởi công, hoàn thành cơ bản dự án vào cuối năm 2025.

Theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM trước đó, Thành phố thành lập Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp thành phố cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; thành phần gồm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố làm trưởng ban…

Còn theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải, Thành phố cũng đã thành lập một hội đồng cố vấn dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, gồm các chuyên gia giàu kinh nghiệm về kỹ thuật, pháp lý đấu thầu, ký kết hợp đồng,... Chức năng của Hội đồng cố vấn là tham gia góp ý định hướng về cơ chế, chính sách và các nội dung liên quan đến kỹ thuật, vật liệu thi công, công nghệ, quản lý chi phí, điều hành dự án.

 

Dự án đường vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn TP.HCM có chiều dài 47,51 km với 2.377 hộ dân bị ảnh hưởng, tái định cư khoảng 752 trường hợp, tổng mức bồi thường, tái định cư là 25.610 tỷ đồng. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến sẽ rất khó khăn, phức tạp vì ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của nhiều cá nhân, tổ chức.