10:53 18/11/2022

TP.HCM đổi tên hàng loạt hạng mục hạ tầng giao thông

Hoài Niệm

Hai địa danh Ba Son và Thủ Thiêm, vừa được Ủy ban nhân dân TP.HCM đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt tên cho hai cầu bắc qua sông Sài Gòn; đồng thời hàng loạt tuyến đường khác ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cũng được đề nghị đổi tên…

Cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn nối đường Tôn Đức Thắng, quận 1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm, được đề nghị đặt tên là "Cầu Ba Son".
Cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn nối đường Tôn Đức Thắng, quận 1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm, được đề nghị đặt tên là "Cầu Ba Son".

Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin ý kiến về việc đặt tên hai cây cầu bắc qua sông Sài Gòn trên địa bàn TP.HCM.

ĐẶT TÊN CẦU THỦ THIÊM VÀ CẦU BA SON

Văn bản số 4239/UBND do Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Dương Anh Đức ký ngày 16/11/2022 nêu rõ: Uỷ ban nhân dân TP.HCM căn cứ văn bản đề nghị của Sở Văn hóa và Du lịch gửi Ủy ban nhân dân Thành phố về việc xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt tên hai cây cầu bắc qua sông Sài Gòn. Cụ thể, lấy tên hai địa danh “Thủ Thiêm” và “Ba Son” để đặt tên cho hai cây cầu bắc qua sông Sài Gòn.

Uỷ ban nhân dân TP.HCM xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, có ý kiến về dự kiến đặt tên hai cây cầu như sau: Đặt tên địa danh “Thủ Thiêm” cho cây cầu nối từ đường Ngô Tất Tố, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đến khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức); đặt tên địa danh “Ba Son” cho cây cầy nối từ đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đến khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức).

Trên thực tế, cầu Thủ Thiêm hiện hữu (theo cách gọi lâu nay) chính là cầu nối từ đường Ngô Tất Tố và Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) với khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 (nay là TP. Thủ Đức) qua sông Sài Gòn. Cầu Thủ Thiêm được xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2005, có chiều dài 1.200 m và là chiếc cầu đầu tiên nối trung tâm Sài Gòn với “ốc đảo” Thủ Thiêm lúc bấy giờ. Tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Còn cầu nối từ đường Tôn Đức Thắng (quận 1) qua khu đô thị mới Thủ Thiêm được gọi tên là cầu “Thủ Thiêm 2”. Công trình được xây dựng vào năm 2015 và hoàn thành sau bảy năm thi công, khánh thành và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 4/2022 vừa qua. Công trình có chiều dài gần 1.500 m, được xem là biểu tượng mới của TP.HCM, tổng vốn đầu tư 3.100 tỷ đồng. Cầu Thủ Thiêm 2 nằm ngay vị trí hãng tàu Ba Son (ngày xưa và bây giờ), một địa danh lịch sử của Sài Gòn – TP.HCM.

Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã có văn bản gửi Thường trực Uỷ ban nhân dân Thành phố xem xét đặt tên bốn cầu Thủ Thiêm trên địa bàn TP.HCM.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ, việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng đối với đô thị loại đặc biệt phải lấy ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét.

Hội đồng đặt, đổi tên đường TP.HCM sau đó đã thống nhất đề xuất đặt tên các cầu Thủ Thiêm 1 đến Thủ Thiêm 4 theo đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao, thứ tự là: Thủ Thiêm, Ba Son, Thủ Ngữ và Bến Nghé.

ĐỔI TÊN NHIỀU TUYẾN ĐƯỜNG KHU VỰC SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT

Các tuyến đường Hồng Hà, Bạch Đằng, Đặng Văn Sâm và Nguyễn Thái Sơn, thuộc địa bàn các quận Phú Nhuận, Gò Vấp và Tân Bình vừa được Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất đổi tên.

Lý do được Sở này đưa ra là nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý đô thị, quản lý đường bộ cũng như việc lưu thông của người dân. Cụ thể như sau:

Đường Bạch Đằng: Đặt tên “Bạch Đằng” cho đường số 1 bằng cách đổi tên đường Nguyễn Thái Sơn (Q. Gò Vấp), đoạn từ bùng binh Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn đến hẻm 187 Bạch Đằng; đổi tên đường Bạch Đằng 2 đoạn từ hẻm 187 Bạch Đằng đến ngã tư Bạch Đằng 2 - Hồng Hà đồng thời đặt tên mới cho đoạn chưa đặt tên thuộc dự án xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (đoạn từ nút giao Bạch Đằng 2 - Hồng Hà đến đường Trường Sơn). Điểm đầu là bùng binh Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn và điểm cuối là đường Trường Sơn.

Vòng xoay hai tầng Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng (Gò Vấp).
Vòng xoay hai tầng Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng (Gò Vấp).

Đường Hồng Hà: Đặt tên “Hồng Hà” cho đường số 2 bằng cách giữ nguyên tên đường Hồng Hà đoạn từ đường Trường Sơn đến số nhà 31-33 Hồng Hà và đặt tên mới cho đoạn chưa đặt tên thuộc dự án xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (đoạn từ số nhà 31-33 Hồng Hà đến vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn). Đường Hồng Hà có điểm đầu là đường Trường Sơn và điểm cuối là bùng binh Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn.

Đặt tên mới cho đường số 3 bằng cách đổi tên đường Bạch Đằng 1 (đoạn từ hẻm A75 Bạch Đằng đến ngã ba Bạch Đằng 2 - Hồng Hà) và đường Hồng Hà (đoạn từ ngã ba Bạch Đằng 2 - Hồng Hà đến đường Bùi Văn Thêm), thuộc hai quận Tân Bình và Phú Nhuận). Đường mới này có điểm đầu là hẻm A75 Bạch Đằng và điểm cuối là đường Bùi Văn Thêm.

Đường Nguyễn Thái Sơn: Điều chỉnh giới hạn đường Nguyễn Thái Sơn, đoạn từ vòng xoay Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn đến hẻm 187 Bạch Đằng nhập vào đường Bạch Đằng.

Đường Đặng Văn Sâm: Điều chỉnh giới hạn đường Đặng Văn Sâm, bổ sung đoạn dọc tuyến mương Nhật Bản từ tường rào công viên Gia Định đến hẻm A75 Bạch Đằng.

Để tránh xáo trộn rất có thể xảy ra đối với người dân, các tổ chức, đơn vị trong các giao dịch cá nhân và hành chính, Sở Giao thông vận tải đề nghị các quận Phú Nhuận, Gò Vấp và Tân Bình có ý kiến đối với phương án đổi, đặt mới tên đường nói trên để gửi về Sở Văn hóa và Thể thao tổng hợp.