18:37 11/02/2025

TP.HCM dự chi hơn 58.000 tỷ đồng nâng cấp 4 tuyến đường cửa ngõ

Thanh Thủy

TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, mở rộng các trục đường cửa ngõ với tổng vốn đầu tư hơn 58.000 tỷ đồng theo hình thức BOT…

TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang đô thị, dự án giao thông - Ảnh minh họa.
TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang đô thị, dự án giao thông - Ảnh minh họa.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa thông tin về việc hoàn tất các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Ủy ban nhân dân Thành phố thẩm định về 4 dự án nâng cấp, mở rộng các trục đường cửa ngõ theo hình thức hợp đồng BOT với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 58.000 tỷ đồng.

Được biết, các dự án này được triển khai theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết 79/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố về ban hành danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).

Theo đó, 4 dự án gồm: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Hạ tầng giao thông hoàn thiện sẽ giúp giải quyết tình trạng ùn tắc, kẹt xe tại các giao lộ cửa ngõ TP.HCM. Hình minh họa do AI thực hiện.
Hạ tầng giao thông hoàn thiện sẽ giúp giải quyết tình trạng ùn tắc, kẹt xe tại các giao lộ cửa ngõ TP.HCM. Hình minh họa do AI thực hiện.

Cụ thể, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình), đoạn qua thành phố Thủ Đức dài 6,3 km, tổng mức đầu tư hơn 21.724 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay). Vốn ngân sách nhà nước tham gia hơn 14.707 tỷ đồng (chiếm khoảng 68%), vốn nhà đầu tư huy động khoảng 7.017 tỷ đồng (chiếm khoảng 32%). Thời gian thu phí 21 năm 4 tháng.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đoạn từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An qua địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh có chiều dài 9,62 km, tổng mức đầu tư khoảng 16.270 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn ngân sách Thành phố tham gia dự án khoảng 9.611 tỷ đồng (chiếm 59%), phần vốn nhà đầu tư huy động và lãi vay khoảng 6.659 tỷ đồng (chiếm 41%). Thời gian thu phí của nhà đầu tư 21 năm 10 tháng.

Dự án cải tạo Quốc lộ 22, từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3 trên địa bàn Quận 12 và huyện Hóc Môn có chiều dài hơn 8 km, tổng mức đầu tư là 10.451 tỷ đồng. Ngân sách Nhà nước tham gia dự án 6.234 tỷ đồng (chiếm 59,65%) và phần vốn nhà đầu tư huy động khoảng 4.217 tỷ đồng (chiếm 40,35%). Thời gian thu phí của nhà đầu tư 23 năm 10 tháng.

Dự án nâng cấp đường trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long An), qua địa bàn Quận 7 và huyện Nhà Bè có chiều dài 8,6 km với tổng mức đầu tư hơn 9.894 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Thành phố khoảng 4.679 tỷ đồng (chiếm khoảng 47%), vốn BOT hơn 5.214 tỷ đồng (chiếm 53%). Thời gian thu phí của nhà đầu tư 22 năm 1 tháng.

 

Theo số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM, năm 2025, kế hoạch vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước do Thành phố quản lý là 84.313 tỷ đồng, tăng 6,2% so với kế hoạch năm 2024.

Trong tháng 1/2025, vốn đầu tư thực hiện xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách Nhà nước do Thành phố quản lý ước thực hiện đạt 1.593 tỷ đồng, đạt 1,9% kế hoạch vốn năm 2025 và giảm 6,7% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách cấp Thành phố quản lý ước thực hiện 1.423 tỷ đồng, giảm 14,4% so với cùng kỳ; vốn ngân sách cấp huyện quản lý ước thực hiện 170 tỷ đồng, tăng 276% so với cùng kỳ (do vốn ngân sách cấp huyện năm 2025 gấp gần 10 lần so với năm 2024).

Tính đến ngày 23/1/2025, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã giải ngân là 58.255,6 tỷ đồng, đạt 73,5% so với kế hoạch vốn năm 2024.