07:17 22/06/2023

TP.HCM hướng tới trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của ASEAN

Hoài Niệm

Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ thế giới, đưa TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN, là mục tiêu mà ngành y tế TP.HCM đang hướng đến...

Ứng dụng phẫu thuật tim bằng phương pháp nội soi. Ảnh minh họa.
Ứng dụng phẫu thuật tim bằng phương pháp nội soi. Ảnh minh họa.

TP.HCM hiện có 22 bệnh viện tuyến cuối tham gia chỉ đạo chuyên môn, chỉ đạo tuyến cho các tỉnh phía Nam, đồng thời là đầu mối quan trọng trong hợp tác và giao lưu quốc tế về y tế.

Phát biểu tại một hội nghị đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TP.HCM mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đã cho biết để đảm nhận vai trò trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực phía Nam, TP.HCM đã và đang tập trung củng cố phát triển và nâng cao chất lượng mạng lưới hoạt động y tế cơ sở; chú trọng quản lý chăm sóc nhóm bệnh không lây.

Thành phố triển khai các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, phát triển chuyên môn kỹ thuật tại các trạm y tế. “TP.HCM không chỉ tập trung làm tốt nhiệm vụ chăm sóc cho 10 triệu dân của Thành phố mà còn tiếp nhận người dân các địa phương trong cả nước, kể cả người nước ngoài”, ông Mãi nói.

Trong lĩnh vực điều trị chuyên sâu (nội khoa, phụ khoa, nhi khoa, ung bướu,…), các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã và đang chú trọng triển khai, mang lại các hiệu quả tích cực.

Bệnh viện Bình Dân là một trong các cơ sở y tế đi đầu trong ứng dụng đưa robot vào phẫu thuật. Tính đến cuối tháng 5/2023 vừa qua, đơn vị này đã đánh dấu ca phẫu thuật bằng robot thứ 3000 sau 6 năm ứng dụng đưa robot vào phẫu thuật (2027 – 2023). Các robot được ứng dụng trong điều trị các bệnh lý đường tiết niệu, tiêu hóa, gan, mật, tụy, lồng ngực, các can thiệp nội mạch điều trị bệnh lý mạch máu não, tim, gan, thận, ruột, chi… giúp tối ưu hóa quá trình điều trị, chăm sóc sức khỏe.

Cùng ứng dụng robot vào phẫu thuật là bệnh viện Chợ Rẫy với hàng trăm ca phẫu thuật bằng robot mỗi năm. Trong khi đó, bệnh viện Nhân dân Gia Định (Bv Ung Bướu) là bệnh viện tuyến cuối của khu vực phía Nam trong lĩnh vực điều trị ung bướu, từ nhiều năm qua đã triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu phục vụ bệnh nhân, giúp giảm đau, giảm nguy cơ phản ứng phụ ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhân, rút ngắn quá trình điều trị,…

Trong lĩnh vực nhi khoa, TP.HCM có 3 bệnh viện chuyên nhi hàng đầu khu vực phía Nam là các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhi Đồng Thành phố. Không chỉ chăm sóc sức khỏe và điều trị cho người dân Thành phố và các tỉnh phía Nam, hệ thống y tế Thành phố còn tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân người nước ngoài, nhất là các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, để trở thành một trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều trị y tế cho khu vực ASEAN, theo các chuyên gia y tế là cần nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để đào tạo, thu hút nhân lực y tế chất lượng cao. Có được như vậy là tiền đề để đạt được mục tiêu đặt ra.

Bs. Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ hệ thống y tế của các nước ASEAN được đầu tư tốt và bài bản, thu hút nhiều lực chất lượng cao, khách du lịch đến tham quan kết hợp trị bệnh. Đặc biệt, các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia là những quốc gia được bình chọn dẫn đầu khu vực trong chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh.

Phẫu thuật thần kinh bằng robot. Ảnh minh họa.
Phẫu thuật thần kinh bằng robot. Ảnh minh họa.

Theo Bs. Thượng, các bài học được rút ra từ 3 quốc gia này là chú trọng đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, không ngừng phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu, phát triển du lịch y tế kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền,…

Để thực hiện được mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc, khám chữa bệnh khu vực ASEAN, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết Thành phố đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm. 

Một là, tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở y tế theo quy hoạch, nhất là các bệnh viện chuyên sâu.

Hai là, đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng phục vụ theo hướng chuyên sâu.

Ba là, triển khai chiến lược dữ liệu của thành phố, trong đó tập trung phát triển kết nối dữ liệu y tế hướng tới phát triển y tế thông minh.

Bốn là, ban hành chính sách phát triển các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ vi sinh.

Năm là, hoàn thiện hệ mạng lưới liên kết vùng về y tế cả trong chẩn đoán, điều trị, trong đào tạo nguồn nhân lực và các cơ chế khác, nhất là cơ chế chuyên sâu.

Và cuối cùng, nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý nhà nước về y tế để tạo ra khung pháp lý hành chính, nhằm phát triển trung tâm chăm sóc sức khỏe trình độ quốc tế theo hướng chuyên sâu.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng lưu ý ngành y tế TP.HCM cần quan tâm chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo chuyên môn cho đội ngũ y tế và các chính sách đãi ngộ để đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế yên tâm công tác, chăm sóc sức khỏe người dân.

 

Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về định hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM trong thời gian tới đã xác định ưu tiên xây dựng hệ thống y tế thành phố tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới, hướng tới mục tiêu là Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.