20:42 08/03/2022

TP.HCM khai trương các tuyến buýt điện nội đô đầu tiên

Xuân Nghi

Từ ngày 09/3/2022, tuyến buýt điện nội đô đầu tiên có trợ giá số D4 (tuyến Vinhomes Grand Park - bến xe buýt Sài Gòn) sẽ chính thức hoạt động phục vụ hành khách với giá vé 7.000 đồng/lượt...

Tuyến xe buýt điện đầu tiên D4 khai trương vào sáng 08/3, có tần suất hoạt động 20 phút/chuyến, từ 5h đến 21h15 hàng ngày.
Tuyến xe buýt điện đầu tiên D4 khai trương vào sáng 08/3, có tần suất hoạt động 20 phút/chuyến, từ 5h đến 21h15 hàng ngày.

Ngày 8/3/2022, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã tổ chức khai trương tuyến buýt có cự ly 29 km với tần suất hoạt động 20 phút/chuyến, từ 5h đến 21h15 hàng ngày. Giá vé chung là 7.000 đồng/lượt và 3.000 đồng/lượt đối với học sinh, sinh viên.

Tuyến buýt điện D4 có lộ trình lượt đi: Bến xe buýt Sài Gòn - Phạm Ngũ Lão - Yersin - Trần Hưng Đạo - Hàm Nghi - Nguyễn Thái Bình - Ký Con - Võ Văn Kiệt - Hầm vượt sông Sài Gòn - Mai Chí Thọ - Trần Quý Kiên - Bát Nàn - Trương Văn Bang - Phan Văn Đáng - Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ - Võ Chí Công - Lê Văn Việt - Nguyễn Văn Tăng - Nguyễn Xiển - KĐT Vinhomes Grand Park.

Lộ trình lượt về: Bến xe buýt Sài Gòn - đường Phạm Ngũ Lão - đường Yersin - Trần Hưng Đạo - Hàm Nghi - Nguyễn Thái Bình - Ký Con - Võ Văn Kiệt - hầm vượt sông Sài Gòn - Mai Chí Thọ - Trần Quý Kiên - Bát Nàn - Trương Văn Ban - Phan Văn Đáng - Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ - đường dẫn cao tốc - Võ Chí Công - D2 - D2B - Lê Văn Việt - Nguyễn Văn Tăng - Nguyễn Xiển - Vinhome Grand Park.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, tuyến buýt điện D4 nằm trong tổng thể 152 tuyến xe buýt của TP.HCM. Đây là những tuyến xe buýt điện chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Trong tương lai TP.HCM phát triển phương tiện công cộng xanh, sạch đẹp, tăng tỷ lệ xe buýt điện đến năm 2030.

Trạm sạc điện của buýt điện
Trạm sạc điện của buýt điện

Sắp tới Sở GTVT sẽ nghiên cứu làm thẻ vé điện tử tích hợp cho tất cả các loại xe buýt. “Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, TP.HCM phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 có 15 - 20% xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí nén CNG, động cơ điện)”, ông Lâm cho hay.

Tuyến D4 là một trong năm tuyến xe buýt điện được Uỷ ban nhân dân TP.HCM chấp thuận cho thí điểm trong hai năm, ngân sách thành phố trợ giá 44,1%. Tỷ lệ này được xem xét điều chỉnh sau khi bộ định mức kỹ thuật, đơn giá xe buýt điện được Uỷ ban nhân dân TP.HCM ban hành. Thời gian thí điểm là 24 tháng, sau đó Sở Giao thông vận tải Thành phố sẽ tổng kết, đánh giá để đề xuất triển khai các bước tiếp theo trong công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định.

Theo Phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân TP.HCM Lê Hòa Bình, tuyến xe buýt điện đầu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến góp phần xây dựng giao thông xanh, thân thiện môi trường, từ đó thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn. Ông Bình yêu cầu Sở Giao thông vận tải Thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan để khai thác tuyến xe buýt điện hiệu quả và tiếp tục nhân rộng. 

Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải sinh thái Vinbus thuộc Tập đoàn VinGroup (chủ đầu tư) cho biết, mục tiêu khi đưa loại hình này vào hoạt động là phi lợi nhuận, góp phần tham gia vào xây dựng mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường và giảm thiểu tiếng ồn. Đối với tuyến đầu tiên này công ty đưa vào hoạt động 15 xe buýt điện. Sau đó sẽ bổ sung thêm phương tiện khi nhu cầu của người dân tăng lên.

Trước đó, vào đầu tháng 12/2021, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có kiến nghị gửi Ủy ban nhân dân Thành phố thí điểm các tuyến buýt điện đầu tiên của thành phố, sẽ khởi chạy từ quý I/2022. Thời gian thí điểm dự kiến trong khoảng hai năm.

Đó là các tuyến: Tuyến VB01, chạy Vinhome Grand Park - Trung tâm thương mại Emart; tuyến VB02, chạy Vinhome Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất; tuyến VB03, chạy Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn; tuyến VB04, chạy Vinhome Grand Park - bến xe Miền Đông mới; tuyến VB05, chạy Vinhome Grand Park - Bến xe miền Đông mới - khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM.

Tuyến D4 vừa khai trương chính là tuyến VB03. Các tuyến VB01 dài 27 km, VB02 dài 30 km, VB04 dài 8,5 km và VB05 lộ trình 10 km sẽ được triển khai trong quý III và IV năm 2022.

Hiện nay, TP.HCM có 126 tuyến xe buýt, gồm 90 tuyến có trợ giá và 36 tuyến không trợ giá. Trong những năm qua, Thành phố đã trợ giá trung bình 1.000 tỷ đồng/năm cho xe buýt.

 

TP.HCM đã thí điểm ba tuyến buýt điện loại 12 chỗ do doanh nghiệp là Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh và Công ty TNHH quản lý và kinh doanh bất động sản Phố Cảnh khai thác, giá 12.000 đồng mỗi lượt, phục vụ khách tham quan, dân cư ở quận 1 và khu Phú Mỹ Hưng, quận 7.

Tháng 5/2021, TP.HCM cho phép thí điểm trong hai năm (hoặc đến khi Luật giao thông đường bộ mới được ban hành) tuyến xe buýt điện hoạt động tại huyện Cần Giờ, phục vụ chở khách đến các khách sạn, khu du lịch theo hình thức hợp đồng, du lịch. Công ty TNHH vận tải du lịch Gia Nghĩa là đơn vị được cấp phép khai thác. Quá trình thí điểm chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 6 - 12 tháng, với 6 xe; giai đoạn 2 bổ sung 14 xe.