16:26 28/09/2023

TP.HCM: Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế 9 tháng đầu năm

Thanh Thủy

Dù đối diện với những khó khăn, thách thức do tác động của nền kinh tế, nhưng TP.HCM đã ngăn chặn đà suy thoái, giữ được đà tăng trưởng kinh tế trong quý 3/2023 với mức tăng GRDP ước đạt 6,71%...

TP.HCM đang thực hiện tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm kinh tế - Ảnh minh họa
TP.HCM đang thực hiện tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm kinh tế - Ảnh minh họa

Sáng 28/9, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 4/2023.

GRDP TIẾP TỤC ĐÀ TĂNG TRƯỞNG

Mở đầu hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết tình hình kinh tế - xã hội thành phố 9 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng nhưng kinh tế thành phố vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM 9 tháng đầu năm, ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, TP.HCM làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 3/2023 ước tăng khoảng ước tăng 6,71%, 9 tháng ước tăng 4,57% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 326.193 tỷ đồng, đạt 69,45% dự toán năm và bằng 93,65% so cùng kỳ.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố tăng 3,2% so với cùng kỳ; 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5,8% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 8,6% so với cùng kỳ.

Đồng thời, tổng doanh thu du lịch ước đạt 125.463 tỷ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, khách du lịch nội địa ước đạt 26.994.560 lượt, tăng 24,9%; khách quốc tế ước đạt 3.566.557 lượt, tăng 69%. Khối lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt 300 triệu lượt hành khách tăng 22,8% so với cùng kỳ 2022. Số lượng hành khách đi và đến thành phố bằng đường sắt ước tăng 53%; đi và đến tại sân bay Tân Sơn Nhất tăng 37%.

Tín hiệu đáng mừng là số doanh nghiệp thành lập mới tăng 13,1% (37.224 doanh nghiệp). Ngoài ra, trong 21 chỉ tiêu thành phần (của 17 nhóm chỉ tiêu) kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023, dự kiến có 19/21 chỉ tiêu đạt và phấn đấu đạt kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, 9 tháng đầu năm, khu vực dịch vụ vẫn là trụ cột chính trong tăng trưởng. “Vì vậy, kích cầu tiêu dùng là một kênh quan trọng mà thành phố cần tập trung”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Dù vậy, trong 9 ngành dịch vụ thì chỉ duy nhất hoạt động bất động sản vẫn tăng trưởng âm, giảm khoảng 8,71%. Bất động sản suy giảm kéo theo ngành xây dựng giảm, vì vậy vấn đề tháo gỡ cho thị trường bất động sản vẫn là một nút thắt thành phố cần giải quyết.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp đang có những dấu hiệu khởi sắc. Các lĩnh vực như dệt may, lương thực - thực phẩm bắt đầu nhận được những đơn hàng trở lại.

“Tuy nhiên đó là những đơn hàng ngắn hạn, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu mua sắm cao điểm Tết, mang tính chất thiết yếu và tiêu dùng thường xuyên, còn các mặt hàng tiêu dùng dài hạn như gỗ, nội thất thì chưa có nhu cầu trở lại”, ông Hòa nhận định.

Đồng tình, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng nhìn nhận tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động, môi trường quốc tế đang kém thuận lợi, một số thị trường chậm cải thiện, tác động trực tiếp khiến sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và của thành phố bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng về số lượng, nhưng giảm về vốn đăng ký so với cùng kỳ (giảm 9%); thu hút đầu tư FDI giảm (giảm 34,1%). “Mặc dù tình hình giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ về giá trị tuyệt đối, nhưng tốc độ giải ngân còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng”, ông Kiên cho biết thêm.

TẬP TRUNG NHỮNG GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Những tháng cuối năm 2023, UBND TP.HCM tập trung cập nhật, triển khai các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các nghị quyết, kết luận của Thành ủy, HĐND TP.HCM.

Toàn cảnh phiên họp sáng 28/9 - Ảnh: Hương Thảo
Toàn cảnh phiên họp sáng 28/9 - Ảnh: Hương Thảo

Theo đó, TP.HCM tiếp tục cụ thể hóa, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết được HĐND TP.HCM thông qua. Tập trung rà soát, giải quyết những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền trên các lĩnh vực như cải cách hành chính, thủ tục hành chính, bất động sản, thuế, kế hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất, các dự án bất động sản.

Thành phố sẽ tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện, tham mưu các đề án về chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền thành phố; thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 và các văn bản chỉ đạo có liên quan.

Đồng thời, phối hợp rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố. xây dựng kế hoạch rà soát, điều chỉnh quy hoạch; các nguyên tắc, tiêu chí điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố; nghiên cứu, khai thác quỹ đất để phát triển quanh nhà ga và dọc tuyến metro số 1, dọc các tuyến Vành đai 3,4 và vùng phụ cận;  rà soát điều chỉnh quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác tương đương về quy mô, ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn.

Song song đó, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp bình ổn giá, rà soát, tập trung phát huy hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường, kịp thời đề xuất giải pháp quản lý, điều hành về giá, ổn định đời sống người dân.

 

Ngày 27/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký quyết định thành lập Tổ Công tác tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ trên địa bàn TP.HCM. Tổ công tác do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh làm Tổ phó Thường trực; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trương Minh Huy Vũ làm Tổ phó. Tổ công tác còn có 13 thành viên là các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp.

Tổ công tác có nhiệm vụ phân tích, đánh giá, đề xuất các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ, lãi suất, tỉ giá; phân tích diễn biến, đánh giá thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu. Đồng thời, tham vấn về những nội dung nhằm hỗ trợ kết nối doanh nghiệp và ngân hàng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM là cơ quan thường trực tổ công tác.