10:03 01/04/2025

TP.HCM phân công nhiệm vụ chuẩn bị các dự án phát triển hạ tầng giao thông huyết mạch

Thanh Thủy

TP.HCM vừa ban hành loạt quyết định quan trọng liên quan đến các dự án nâng cấp, mở rộng các dự án giao thông huyết mạch. Đồng thời, Thành phố cũng giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và bố trí nguồn vốn cho mạng lưới đường sắt đô thị theo Nghị quyết 188/2025/QH15 của Quốc hội…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa ban hành các quyết định giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án, chủ đầu tư các dự án thành phần thuộc các dự án giao thông quan trọng, gồm: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (nay là đường Lê Khả Phiêu), Nâng cấp đường trục Bắc - Nam (nay là đường Nguyễn Hữu Thọ) và Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13. Các dự án này được triển khai theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT).

Đồng thời, Ủy ban nhân dân Thành phố cũng đã ban hành quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án đường sắt đô thị của thành phố theo Nghị quyết số 188/2025/QH15 của Quốc hội.

TẬP TRUNG NÂNG CẤP CÁC TRỤC GIAO THÔNG CHÍNH

Đối với dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, dự án này có chiều dài khoảng 9,62 km, với mặt cắt ngang rộng 60 m, đảm bảo từ 10 đến 12 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h cho tuyến chính và 60 km/h cho đường song hành hai bên. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 16.285 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 9.611 tỷ đồng.

Dự án thành phần 1 bao gồm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn quận Bình Tân. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông.

Dự án thành phần 2 bao gồm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Bình Chánh. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông.

Dự án thành phần 3 liên quan đến việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 theo phương thức BOT. Đơn vị chuẩn bị dự án là Sở Giao thông Công chánh Thành phố.

Đối với dự án nâng cấp đường trục Bắc – Nam, dự án có tổng chiều dài khoảng 8,6 km, mặt cắt ngang rộng 60 m với quy mô 10 làn xe, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.894 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 4.680 tỷ đồng.

Dự án thành phần 1 bao gồm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật, kết hợp xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh và nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông.

Dự án thành phần 2 liên quan đến việc nâng cấp đường trục Bắc - Nam theo phương thức BOT. Đơn vị chuẩn bị dự án là Sở Giao thông Công chánh.

Đối với dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 có tổng chiều dài khoảng 5,9 km, với vận tốc thiết kế 80 km/h cho tuyến chính và 60 km/h cho đường song hành hai bên. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 20.900,85 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố khoảng 14.619,33 tỷ đồng.

Dự án thành phần 1 bao gồm bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn thành phố Thủ Đức. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thành phố Thủ Đức.

Dự án thành phần 2 liên quan đến việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 theo phương thức BOT. Đơn vị chuẩn bị dự án là Sở Giao thông Công chánh.

Theo quyết định được phê duyệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ theo đúng tiến độ, kịp thời báo cáo và đề xuất phương án xử lý nếu gặp khó khăn, vướng mắc.

Trước đó, tại kỳ họp lần thứ 21 Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa X, các nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư cho các dự án này đã được thông qua nhằm đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông của Thành phố.

GIAO NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI CÁC TUYẾN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

Bên cạnh các dự án nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng ban hành quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án thuộc Danh mục dự án dự kiến mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội,  TP.HCM theo Nghị quyết số 188/2015/QH15 của Quốc hội.

Theo đó, Ban Quản lý Đường sắt đô thị được giao thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư đối với các tuyến đường sắt đô thị, cụ thể:

Tuyến 1 (Bến Thành - An Hạ), tiếp nối tuyến Bến Thành - Suối Tiên; tuyến 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương - Củ Chi); tuyến 3 (Hiệp Bình Phước - Bình Triệu - Ngã 6 Cộng Hòa - Tân Kiên - An Hạ).

Tuyến 4 (Đông Thạnh Hóc Môn - sân bay Tân Sơn Nhất-Bến Thành-Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước); tuyến 5 (Long Trường - Xa lộ Hà Nội - Cầu Sài Gòn - Bảy Hiền - Depot Đa Phước); tuyến 6 (Vành đai trong); tuyến 7 (Tân Kiên - Nguyễn Văn Linh -Thủ Thiêm - Thảo Điền - Thanh Đa - Khu Công nghệ cao - Vinhomes Grand Park).

Theo kế hoạch đến năm 2035, TP.HCM sẽ có 355 km đường sắt đô thị - Ảnh minh họa.
Theo kế hoạch đến năm 2035, TP.HCM sẽ có 355 km đường sắt đô thị - Ảnh minh họa.

Đồng thời, Ban Quản lý Đường sắt đô thị được giao các nhiệm vụ như đề xuất phương án bố trí vốn cho các dự án trong các giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, 2026-2030 và 2031 - 2035, xây dựng kế hoạch phân bổ vốn hàng năm để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án.

Ngoài ra, hoàn thành các thủ tục liên quan để kết thúc chủ trương đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương) bằng nguồn vốn ODA theo đúng quy định. Khẩn trương tổ chức khảo sát, lập thiết kế tổng thể (FEED) và hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án mới trình cơ quan chuyên môn và người có thẩm quyền để xem xét, phê duyệt.

Khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết cụ thể theo từng tháng, quý, năm báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Tài chính, Sở Giao thông công chánh và các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư.

Cùng với đó, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân TP.HCM về kết quả thực hiện. Kịp thời báo cáo và đề xuất giải pháp khi có khó khăn, vướng mắc, trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

 

Theo kế hoạch đến năm 2035, TP.HCM sẽ có 355 km đường sắt đô thị. Nghị quyết 188/2025/QH15 của Quốc hội cho thành phố nhiều cơ chế đặc thù, đặc biệt để huy động nguồn lực đầu tư cũng như triển khai các nhiệm vụ khác.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 188/2025/QH15, trong đó xác định các nhóm công việc chính như: xây dựng văn bản cụ thể hóa một số quy định của Nghị quyết; huy động vốn và bố trí vốn đầu tư; chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực...