TP.HCM phát triển 35.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025
Giai đoạn 2021-2025, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội TP.HCM dự kiến khoảng 2,5 triệu m2, tương đương khoảng 35.000 căn; phấn đấu nhà ở cho thuê đạt 7.000 căn hộ, nhà ở lưu trú công nhân đạt 4.500 căn hộ…
UBND TP.HCM vừa có báo cáo về việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2025. Giai đoạn 2016-2020, thành phố đã xây dựng, đưa vào sử dụng 19 dự án nhà ở xã hội, quy mô 14.954 căn hộ.
Đối với nhà ở lưu trú công nhân, đã đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng 1 dự án, quy mô 1.449 phòng. Giai đoạn 2021-2025, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội dự kiến khoảng 2,5 triệu m2, khoảng 35.000 căn nhà. Trong đó, nhà ở cho thuê phấn đấu đạt khoảng 7.000 căn hộ; nhà ở lưu trú công nhân phấn đấu đạt khoảng 4.500 căn hộ.
Kết quả đến quý 2-2023, Thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án, quy mô 623 căn hộ. Có 6 dự án nhà ở xã hội (với quy mô 3.956 căn hộ) và 1 dự án nhà lưu trú công nhân (1.040 căn) đang thi công. Hiện còn 82 dự án đang được theo dõi trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội. Thành phố sẽ phấn đấu hoàn thành các thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng để đưa vào đầu tư xây dựng khoảng 35.000 căn nhà ở xã hội, tương ứng 2,5 triệu m2 sàn theo kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố.
Hiện, UBND TP.HCM đã báo cáo Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số nội dung cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó, tập trung các vấn đề như xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các khoản chi phí hợp pháp khác và việc phân bổ các chi phí này vào quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội khi chủ đầu tư nhà ở thương mại thực hiện bàn giao quỹ đất ở 20% cho Nhà nước để phát triển nhà ở xã hội; hướng dẫn áp dụng quy định pháp luật về thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội khi điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án; hướng dẫn xác định thành viên của hộ gia đình để xét đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.
TP.HCM đang triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (hiệu lực từ 01/8/2023). Vận dụng các cơ chế, chính sách mới từ Nghị quyết 98, các khó khăn, vướng mắc trước đó được Thành phố nỗ lực tháo gỡ, trong đó có các dự án nhà ở xã hội.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hầu hết các dự án đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục như thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác nhận đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức.
Một nguyên nhân nữa khiến các dự án nhà ở xã hội “bất động” sau động thổ, đó là chủ đầu tư chưa thực sự chủ động về nguồn vốn, nên tiến độ thi công kéo dài. Việc bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội rất khó khăn, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được…