14:29 27/09/2023

TP.Thủ Đức: Tập trung nguồn lực cho các dự án nhà ở xã hội

Thi Nguyễn

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND thành phố Thủ Đức cần theo dõi, hỗ trợ chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội đẩy nhanh tiến độ triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, thẩm định giá, thủ tục đầu tư… nhằm đảm bảo tiến độ các dự án đã được phê duyệt…

Từ năm 2016 đến nay, Thủ Đức đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 6 dự án nhà ở xã hội - Ảnh minh họa
Từ năm 2016 đến nay, Thủ Đức đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 6 dự án nhà ở xã hội - Ảnh minh họa

Sáng 26/9, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đã chủ trì buổi giám sát việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2025 đối với UBND thành phố Thủ Đức.

VẪN CÒN NHỮNG HẠN CHẾ TRONG PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI

Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, cho biết giai đạn 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 6 dự án nhà ở xã hội với 5.960 căn hộ; đang thực hiện đầu tư xây dựng 2 dự án nhà ở xã hội với 1.490 căn hộ và 1 dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân thuê với 1.040 căn hộ.

Đồng thời, Thủ Đức đã quy hoạch và đang thực hiện các thủ tục pháp lý để đầu tư xây dựng 22 dự án nhà ở xã hội, 1 nhà lưu trú công nhân và 1 nhà ở chuyên gia.

Cũng theo ông Phùng, trong quá trình triển khai, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở chỉ chú trọng tập trung đầu tư phát triển nhà ở thương mại để kinh doanh, chưa ưu tiên cho việc phát triển nhà ở xã hội tại dự án. Ngoài ra, thủ tục pháp lý triển khai đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội kéo dài.

Nguyên nhân của các hạn chế này là do trên địa bàn thành phố Thủ Đức tồn tại một số dự án chưa hoàn tất việc bồi thường 100% diện tích giao đất thực hiện quy hoạch mà chủ yếu bồi thường phần đất ở để kinh doanh, chưa bồi thường diện tích đất nhà ở xã hội, chưa có hình thức chế tài đối với chủ đầu tư của dạng dự án này.

Theo các quy định hiện hành, thẩm quyền xử lý các dự án chậm triển khai thuộc sở, ngành TP.HCM, tuy nhiên, chưa có quy định về hình thức, biện pháp chế tài cụ thể đối với các chủ đầu tư chậm triển khai.

Ngoài ra, chủ đầu tư dự án gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư hoặc không cân đối được giữa giá bán căn hộ hợp lý theo quy định và chi phí, lợi nhuận.

Bên cạnh đó, một số dự án chậm triển khai, chưa có giải pháp kết nối đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật và xử lý nước thải, chưa có phương án đầu tư hạ tầng xã hội; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu công trình trên đất cho các khách hàng đã mua căn hộ chưa được đẩy nhanh tiến độ.

CẦN ĐƯA RA MỨC GIÁ BÁN, GIÁ THUÊ HỢP LÝ CHO NHÀ Ở XÃ HỘI

Đóng góp ý kiến tại buổi giám sát, ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết theo báo cáo, Thủ Đức đang hoàn thiện 2 dự án nhà ở xã hội với 1.490 căn hộ, tuy nhiên số người đăng ký mua chưa đến 100 người.

Vì vậy, ông Thắng đề nghị chủ đầu tư mở rộng nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội để nhiều người tiếp cận được việc mua nhà. Ngoài ra, cần sự phối hợp giữa thành phố Thủ Đức với Liên đoàn Lao động Thành phố, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp để tuyên truyền đến các đối tượng như công nhân, người lao động về các dự án trên địa bàn.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì buổi giám sát - Ảnh: Vũ Phong
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì buổi giám sát - Ảnh: Vũ Phong

Đồng tình, ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM, cho rằng nhà ở xã hội xây lên để đó, không bán được như nhà ở thương mại. Do đó, chủ đầu tư có trách nhiệm khảo sát nhu cầu trên địa bàn để tính toán quy mô của căn hộ, tỉ lệ phân bổ giữa các loại căn hộ (nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân).

Từ đó chủ đầu tư mới tham mưu được giá bán, giá cho thuê để làm sao người trong diện chính sách, công nhân, người thuộc diện mua nhà ở xã hội dễ dàng tiếp cận. “Nếu chủ đầu tư khảo sát chặt chẽ thì mới đưa ra được giá bán, giá cho thuê hợp lý”, ông Hiếu cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HDND TP.HCM cũng đề nghị, trong xây dựng nhà ở xã hội, từ việc chọn chủ đầu tư, tổ chức thi công cần cố gắng tiết kiệm nhất để giảm chi phí, từ đó có giá bán, giá cho thuê nhà hợp lý.

Về các khó khăn, vướng mắc của các dự án, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND thành phố Thủ Đức theo dõi, hỗ trợ chủ đầu tư các dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, thẩm định giá, điều chỉnh quy hoạch, thủ tục đầu tư, thi công xây dựng… đảm bảo tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, quan tâm thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các dự án để đảm bảo chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến chất lượng công trình, pháp lý dự án, công tác phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.

Bà Lệ cũng yêu cầu UBND thành phố Thủ Đức tiếp tục xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng kỹ thuật giao thông và hạ tầng xã hội để đảm bảo đồng bộ trong phát triển nhà ở xã hội. Từ đó, tạo cơ sở và động lực để thành phố Thủ Đức phấn đấu đạt được các mục tiêu theo các Kế hoạch đã ban hành, đáp ứng nhu cầu về chỗ ổ ở tương ứng với tốc độ gia tăng dân số dự kiến đạt 1.500.000 người vào năm 2030.

Đối với các đơn vị, sở, ngành, Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Cục thuế TP.HCM các cơ quan có liên quan khẩn trương trong thực hiện hoặc tham mưu đề xuất UBND TP.HCM đối với các nội dung còn vướng mắc, hạn chế để hỗ trợ, tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Thủ Đức, đáp ứng được nhu cầu và quyền lợi chính đáng về nhà ở của người dân có thu nhập thấp.

Đối với những vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM, bà Lệ cho biết Đoàn giám sát ghi nhận, làm việc và kiến nghị UBND TP.HCM quan tâm và tập trung nguồn lực cho việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng.