TP.HCM quản lý, nắm bắt thông tin 70 triệu tài khoản mạng xã hội, 1.500 trang tin điện tử
Hệ thống ứng dụng do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM thực hiện có khả năng nắm bắt thông tin của hơn 70 triệu tài khoản mạng xã hội, hơn 100 nghìn trang tin, khoảng 150 trang báo điện tử, 1.500 trang tin điện tử tổng hợp…
Thông tin trên do Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Nguyễn Ngọc Hồi cho biết tại họp báo tình hình kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 10 do UBND TP.HCM tổ chức vào chiều 30/10.
Theo đó, hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin do Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện, có khả năng nắm bắt thông tin của hơn 70 triệu tài khoản mạng xã hội và hơn 100 ngàn trang tin khác; quản lý, nắm bắt thông tin khoảng 150 trang báo điện tử, hơn 1.500 trang tin điện tử tổng hợp và 350 trang mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.
Ngoài ra, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, ngành chức năng TP.HCM đã ngăn chặn, gỡ bỏ 330 bài viết có thông tin xấu độc trên tài khoản mạng xã hội Facebook, 439 video trên nền tảng YouTube, 573 video trên TikTok, hàng trăm trang tin điện tử có tên miền quốc tế.
Đồng thời, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho hay, với 108 tài khoản mạng xã hội nước ngoài đăng tải các thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã chuyển danh sách để Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) xem xét xử lý theo quy định. Với các tài khoản có địa chỉ cư trú tại TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành xác minh và xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng rà soát, thống kê hơn 30 sàn Forex tổ chức các sự kiện, hội thảo kêu gọi đầu tư vào các giao dịch tiền số, Sở Thông tin và Truyền thông đã mời nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan lên làm việc.
Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông cũng thường xuyên phối hợp với Công an Thành phố và các phòng nghiệp vụ liên quan đánh giá và giám định các nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự trên không gian mạng để xử lý. Cụ thể, Sở Thông tin và Truyền thông đã giám định tư pháp 114 hồ sơ, thẩm định 131 tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng tải thông tin xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm lãnh đạo… trên Internet.
Do đó, để tăng cường phát hiện, xử lý và có phương án chấn chỉnh ứng xử trên không gian mạng, ông Nguyễn Ngọc Hồi cũng cho biết, hiện Sở Thông tin và Truyền thông được UBND TP.HCM giao chủ trì xây dựng, vận hành, khai thác hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin để tổng hợp thông tin dư luận xã hội quan tâm, cũng như giám sát thông tin xấu độc.
Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng danh sách nội dung đã được xác thực trên mạng (White list). Hiện tại, White list bao gồm danh sách 301 báo, tạp chí điện tử đã được cấp phép. Động thái này nhằm khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, nhãn hàng xem xét lựa chọn quảng cáo trong White list để bảo đảm an toàn thương hiệu, góp phần phát triển hệ sinh thái quảng cáo, nội dung số Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị nhãn hàng chủ động xây dựng danh sách nội dung xấu độc trên mạng của đơn vị mình (Black list) để loại trừ quảng cáo. Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) sẽ là đầu mối tổng hợp các trang, kênh, tài khoản xấu độc, gửi cho nhãn hàng, doanh nghiệp tham khảo áp dụng.