13:00 18/07/2023

TP.HCM sắp có lễ hội sông nước lần đầu tiên

Hoài Niệm

Lễ hội sông nước lần đầu tiên của TP.HCM được kỳ vọng tạo nên sản phẩm du lịch mới giúp định vị thương hiệu đô thị sông nước, giúp quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng của Sài Gòn - TP.HCM...

Du lịch đường sông, điểm nhấn tạo sự khác biệt của ngành du lịch TP.HCM...
Du lịch đường sông, điểm nhấn tạo sự khác biệt của ngành du lịch TP.HCM...

Lễ hội sông nước với chủ đê “Sài Gòn – Dòng sông kể chuyện” lần đầu tiên sẽ diễn ra tại TP.HCM, từ ngày 04 – 06/8/2023 tại các địa điểm: Cảng Sài Gòn - Cảng hành khách tàu biển, công viên bến Bạch Đằng, khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bến Bình Đông, Khu Du lịch văn hoá Suối Tiên và các khu du lịch, điểm đến khác trên toàn địa bàn.

Dự kiến sẽ có khoảng 50 sản phẩm, tour/tuyến du lịch đường thủy mới sẽ được giới thiệu ở kỳ lễ hội này. Điểm nhấn của sự kiện là chương trình thực cảnh tái hiện sự hình thành của tự nhiên, con người qua các thời kỳ phát triển của Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM; trong đó dòng sông chính là một “nhân chứng” hào hùng.

Ngành du lịch TP.HCM muốn gửi đi thông điệp hướng đến giá trị bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, tôn vinh các dòng sông, kênh ngòi, kêu gọi người dân cùng bảo vệ môi trường, lối sống có trách nhiệm hơn. Không chỉ quảng bá lịch sử, đặc trưng văn hóa của thành phố, chương trình “Sài Gòn – Dòng sông kể chuyện” còn khai thác giá trị từ tài nguyên sông, biển, góp phần định vị thương hiệu của TP.HCM - đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa.

Các chương trình khác bao gồm: Các hoạt động thể thao dưới nước tại Bến Bạch Đằng sẽ diễn ra giải đua thuyền và hoạt động trình diễn đua ghe truyền thống; biểu diễn cano nước, trình diễn dù lượn, trình diễn bay bằng ván phản lực nước (flyboard), trình diễn chiếu sáng nghệ thuật khu dù lượn trên cao và các hoạt động tương tác chèo SUP,… tại khu vực bờ kè Nhiêu Lộc - Thị Nghè; hoạt động diễu hành trên sông từ cảng Sài Gòn đến Landmark 81; không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian tại công viên Bến Bạch Đằng...

Du lịch du thuyền hạng sang 5 sao về đêm trên sông Sài Gòn.
Du lịch du thuyền hạng sang 5 sao về đêm trên sông Sài Gòn.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, chương trình cũng công bố sản phẩm du lịch đường thuỷ và tour kích cầu du lịch TP.HCM và tổ chức chương trình khảo sát cho các doanh nghiệp, khách hàng tiềm năng trải nghiệm sản phẩm. Hoạt động trang trí các mô hình, cụm tiểu cảnh mang biểu tượng TP.HCM tại khu vực trung tâm thành phố. Cùng với đó là chương trình khuyến mãi mua sắm cho du khách và người dân trong thời gian diễn ra sự kiện trên địa bàn Thành phố; chương trình kích cầu giảm giá vé các chương trình biểu diễn nghệ thuật, lễ hội trái cây Nam Bộ,…

Các khung giờ từ 19h00 – 19h40 trong 2 ngày 4 và 5/8/2023 và từ 21h00 – 21h40 ngày 6/8/2023, sẽ có chương trình diễu hành trên sông. Cụ thể, từ cảng Sài Gòn đến khu Landmark 81 sẽ có từ 30 - 40 tàu thuyền của các đơn vị đang khai thác du lịch trên sông Sài Gòn trang trí rực rỡ diễu hành dọc bờ sông nhằm quảng bá về lễ hội và hoạt động du lịch trên sông của Thành phố.

TP.HCM đang nỗ lực xây dựng, phát triển các tour/tuyến, sản phẩm du lịch đường thủy giúp lĩnh vực du lịch đường thủy khởi sắc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch của Thành phố. Theo mục tiêu được Sở Du lịch TP.HCM đặt ra, đến năm 2025 sẽ có khoảng 10 sản phẩm du lịch kết nối cảng biển với các tuyến sông, rạch trên địa bàn.

Với tổng chiều dài hơn 913 km đường thủy nội địa, mạng lưới đường thủy của TP.HCM có khả năng khai thác khoảng 100 tour/tuyến; trong đó, lợi thế với 4 tuyến đường sông chính tạo thành mạng lưới đường thủy liên kết các tỉnh lân cận gồm Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện nay hoạt động vận tải hành khách, du lịch đường thủy ở TP.HCM đã khai thác gồm các tuyến: Tuyến buýt đường sông số 1 Bạch Đằng - Linh Đông, tuyến du lịch từ Bạch Đằng - Bến Đình - Bình Dương, hai bến phà, 25 bến khách ngang sông... Các tàu khách quốc tế có thể vào ngay trung tâm thành phố tại khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, Bến Bạch Đằng mà không phải trung chuyển, tạo thuận tiện cho giao thông đường thủy.

Du lịch sông nước kết nối với các tỉnh lân cận và vùng ĐBSCL.
Du lịch sông nước kết nối với các tỉnh lân cận và vùng ĐBSCL.

Về cơ sở hạ tầng, hiện Thành phố có 13 cảng thủy nội địa, 204 bến thủy nội địa; trong đó có 105 cảng, bến phục vụ vận tải hàng hóa, 74 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch và 25 bến khách ngang sông.

Giữa năm 2022, ngành du lịch TP.HCM cũng đã làm việc với các công ty, đơn vị khai thác du lịch, du thuyền tổ chức khai thác sản phẩm “Du thuyền trên sông Sài Gòn” với công suất khoảng 10 - 25 người/chuyến. Tour xuất phát tại bến du thuyền khu biệt thự Lan Anh (số 2, đường số 45, phường Bình An, TP. Thủ Đức). Chi phí du thuyền 5 - 10 triệu đồng/khách trong 3 giờ (giá chưa bao gồm các dịch vụ khác).

Các hoạt động nói trên là sự nỗ lực của ngành du lịch TP.HCM trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, sự sáng tạo, chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của thành phố nhằm phục vụ du khách nội địa và quốc tế, đặc biệt là phân khúc trung và cao cấp.

 

Báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM mới đây cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM đón lượng khách quốc tế ước đạt 1.941.267 lượt, tăng 306% so cùng kỳ và lượng khách du lịch nội địa ước đạt 16.415.438 lượt, tăng 48% so cùng kỳ.

Tổng thu du lịch 6 tháng đầu năm 2023 của TP.HCM ước đạt 80.833 tỷ đồng - cao nhất cả nước, tăng 62,7% so cùng kỳ và đạt 50,5% so với kế hoạch năm 2023.