15:36 12/09/2023

TP.HCM sẽ dành hơn 519 tỷ đồng hỗ trợ kinh tế tập thể

Phạm Vinh

Thành phố sẽ bố trí ngân sách hơn 519,7 tỷ đồng để hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã, trong đó, khoản hỗ trợ cao nhất dành cho chính sách thu hút lao động trẻ với hơn 456 tỷ đồng…

TP.HCM sẽ dành hơn 519 tỷ đồng hỗ trợ kinh tế tập thể. (Ảnh minh họa).
TP.HCM sẽ dành hơn 519 tỷ đồng hỗ trợ kinh tế tập thể. (Ảnh minh họa).

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đang xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023-2026. Theo đó, ngân sách Thành phố sẽ bố trí số tiền hơn 519,7 tỷ đồng để hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Đặc biệt, khoản hỗ trợ cao nhất là kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ thu hút lao động trẻ về làm việc tại các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, với hơn 456 tỷ đồng. Số tiền này dùng để hỗ trợ lương cho người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Ngoài ra, mỗi năm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động được hỗ trợ để hợp đồng tối đa 02 người về làm việc. Trong đó, có 01 người đảm nhận công tác chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và 01 người đảm nhận vị trí trong Ban Giám đốc. Chính sách ưu tiên cán bộ kỹ thuật, cán bộ kế toán để hỗ trợ quản trị, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu và lĩnh vực hoạt động chính của tổ chức kinh tế tập thể.

Chính sách cũng ưu tiên những người có trình độ học vấn cao (nhiều bằng đại học các chuyên ngành khác nhau, thạc sĩ, tiến sĩ); người được tổ chức kinh tế tập thể gửi hoặc cử đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo đạt được trình độ từ đại học trở lên theo quy định của pháp luật. Con em của thành viên tổ chức kinh tế tập thể cũng được ưu tiên hưởng chính sách này.

Dự kiến, giai đoạn 2023-2026 sẽ thu hút được 5.414 lao động theo chính sách này. Ngoài khoản hỗ trợ nêu trên, dự kiến ngân sách cũng dành 47,5 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; 7,65 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện đào tạo thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức kinh tế tập thể; 6,51 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện bồi dưỡng thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức kinh tế tập thể; 1,32 tỷ đồng hỗ trợ nâng cao năng lực đối với công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh hợp tác xã, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, giảng viên về kinh tế tập thể trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và 700 triệu đồng hỗ trợ xây dựng hệ thống thông tin, tuyên truyền.

Được biết, kế hoạch đề ra mục tiêu tổng quát năm 2023 là số lượng hợp tác xã đăng ký hoạt động là 736 đơn vị, trong đó số lượng hợp tác xã đang hoạt động 617 đơn vị, phát triển mới 30 hợp tác xã; số lượng liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động là 9 đơn vị; nâng tổng số lao động làm việc trong khu vực kinh tế tập thể đạt 24.000 lao động; tỷ lệ cán bộ quản lý, nghiệp vụ hợp tác xã đã qua đào tạo có trình độ đại học trở lên đạt trên 55%; trình độ trung cấp, sơ cấp đạt dưới 45%; tỷ trọng đóng góp vào GRDP TP.HCM là 0,5%.

Thời gian qua, Thành phố cũng có các giải pháp phát triển kinh tế tập thể năm 2023. Chẳng hạn như: Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển theo quy định tại Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2012; Nâng cao hiệu quả hoạt động khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; Huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế… 

Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng ký tờ trình đề nghị HĐND Thành phố ban hành quy định khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị.

Trong đó, ngân sách Thành phố chi hỗ trợ từ 60% tới 100% lãi suất vay đối với chủ đầu tư, các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn trọng tâm của Thành phố, bao gồm: Chủ đầu tư thực hiện duy trì, phát tiển sản phẩm OCOP đạt 3, 4 , 5 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chủ đầu tư sản xuất giống; sản xuất nông nghiệp hữu cơ; sản xuất nông nghiệp sạch và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Doanh nghiệp có tham gia ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực với hợp tác xã…

Từ đó khuyến khích hộ nông dân chuyển đổi từ đất muối sang nuôi trồng thủy sản; chuyển đổi từ sản xuất lúa, mía, cao su hiệu quả thấp sang trồng cây có hiệu quả cao hơn (rau, hoa, bắp, cỏ chàn nuôi); góp phần đây mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn ở ngoại thành, thúc đẩy nâng cao giá trị sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, cung ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân Thành phố; đẩy mạnh phát triển các nghề truyền thống, nâng cao thu nhập cho lao động, thực hiện mục tiêu chuyển dịch nông nghiệp đô thị.

TP.HCM dự kiến số hộ, doanh nghiệp được phê duyệt mới là 2.734 lượt, với tổng vốn đầu tư hơn 1.537 tỷ đồng, tổng vốn vay trên 933 tỷ đồng, lãi vay ngân sách dự kiến hỗ trợ đối với các phương án mới gần 60 tỷ đồng.

 

Từ năm 2006 tới hết năm 2021, thực hiện chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị theo Nghị quyết HĐND, TP.HCM đã phê duyệt 8.534 quyết định, với tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng, tổng vốn vay hơn 8.446 tỷ đồng. Quy mô vốn đầu tư, vốn vay/hộ, doanh nghiệp qua các năm tăng dần.

Đặc biệt giai đoạn 2018 - 2021, bình quân vốn đầu tư 1.380 triệu đồng/hộ/phương án, cao hơn 2,44 lần bình quân giai đoạn 2011- 2019 (565 triệu đồng/hộ/phương án) và bình quân vốn vay có hỗ trợ lãi vay 815 triệu đồng/hộ/lượt vay, cao hơn 2,38 lần so với bình quân giai đoạn 2011 - 2019 (343 triệu đồng/hộ/phương án). Tuy nhiên chương trình này đã hết hạn theo hiệu lực của Nghị quyết, nên cần HĐND ra Nghị quyết mới.