06:00 06/06/2023

Sửa luật để hợp tác xã là cầu nối giữa nông dân với thị trường

Song Hà

Vẫn chạy theo số lượng hợp tác xã mà chưa theo chất lượng, nên đến nay hợp tác xã vẫn còn nghèo, bé nhỏ mãi không lớn lên nổi, đó là con đường sai. Để các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, lớn mạnh, cần có các chính sách thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các hợp tác xã với nhau…

Số liệu đưa ra tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Một số vấn đề kinh tế cần cân nhắc trong dự thảo Luật hợp tác xã” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức mới đây cho thấy, tính đến hết ngày 31/12/2020, cả nước có khoảng 25.777 hợp tác xã.

Trong đó, chỉ có khoảng 15.306 hợp tác xã đang hoạt động và có kết quả sản xuất kinh doanh, chiếm xấp xỉ 60% tổng số hợp tác xã được thành lậ̂p.

THIẾU NHỮNG LIÊN KẾT GIÁ TRỊ

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng hợp tác xã sinh ra để khắc phục những hạn chế của kinh tế thị trường, bảo đảm quyền lợi cho các thành viên tham gia.

Tuy nhiên, những năm qua, chúng ta vẫn thiếu thể chế nhằm thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển hoàn thiện hơn. Từng hộ dân cũng không thể đáp ứng nhu cầu hàng hóa lớn của thị trường. Khi không tham gia hợp tác xã sẽ tạo ra sự tự cạnh tranh, dẫn đến không quản trị về nông nghiệp, hạn chế sự phát triển.

“Ở Việt Nam vẫn thiếu các liên kết giá trị là liên kết ngang giữa người dân với người dân hoặc liên kết dọc là liên kết giữa người dân với các nhà đầu tư. Điều này khiến cho số lượng hợp tác xã ra đời lớn nhưng không có người thực hiện, kết nối giữa nhà đầu tư với nông dân bị gián đoạn. Như vậy, một nền nông nghiệp không được quản trị về chất lượng, thiếu khả năng liên kết”, ông Thịnh nhấn mạnh, đồng thời cho biết giai đoạn 2016-2020 có gần 60 nhà máy chế biến nông sản ra đời nhưng không có vùng nguyên liệu khiến liên kết dọc bị đứt đoạn.

Hơn nữa, chi phí sản xuất nông nghiệp quá cao. Các thực hành chung, mua chung, bán chung, nhất là quản trị chất lượng chưa đảm bảo cho chuỗi giá trị hoạt động theo yêu cầu thị trường, trong khi xu thế tiêu dùng, thương mại luôn thay đổi theo hướng ăn sạch hơn và văn hóa hơn.

Ở nông thôn, những phúc lợi từ việc xây dựng, phát triển hạ tầng mang lại cho người dân đã khá tốt. Nhưng một trong những vấn đề không tiến triển được là tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập của người nông dân để giảm nghèo. Vì vậy, muốn phát triển kinh tế sản xuất, nhất là nông nghiệp, trong giai đoạn tới cần tổ chức lại nông dân để tạo thực hành nông nghiệp tốt, bởi không có hợp tác xã thì không có nông nghiệp.

Ông Thịnh nhấn mạnh, giống như nhiều luật khác cứ 10 năm sửa 1 lần. Luật Hợp tác xã trong quá trình phát triển chỉ là “may đo” chứ không phải là may “ đồng phục” nên cần rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố xã hội lồng vào đó là sự khác biệt vì vậy còn rất nhiều tranh cãi.

Nhiều HTX dịch vụ phát triển khá mạnh
Nhiều HTX dịch vụ phát triển khá mạnh

Do đó chúng ta cần sửa Luật hợp tác xã để hợp tác xã tham gia vào thị trường một cách hiệu quả hơn, bảo vệ quyền lợi của thành viên của cộng đồng nông thôn tốt hơn, thực sự là cầu nối giữa nông dân với thị trường.

HỢP TÁC XÃ CÓ PHẢI LÀ DOANH NGHIỆP?

Trước đây, một hợp tác xã có 7-8 người, vốn nhỏ nhưng bộ máy quản trị cồng kềnh bao gồm HĐQT, ban quản lý, ban kiểm soát. Do đó việc sửa luật lần này nhằm tạo ra sự quản trị rút gọn, tạo sự tiến bộ. Cần rõ ràng, nếu là hợp tác xã dịch vụ thì mục tiêu như thế nào, làm thế nào để hợp tác xã đó tốt lên, cộng đồng được hưởng lợi tốt hơn…

Theo GS. TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), nguyên tắc là tuân theo cơ chế thị trường, cái gì của nông dân thì trả cho nông dân.

Do đó, vị đại diện này nhấn mạnh, hợp tác xã là tổ chức kinh tế tự trị nhằm tập hợp những người nông dân nhỏ làm bạn với các doanh nghiệp lớn, cùng cạnh tranh với doanh nghiệp lớn để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nên bộ luật mang tính hướng dẫn nhiều hơn các quy định chặt chẽ bắt buộc phải theo.

Một vấn đề nảy sinh hiện nay, theo ông Viên là nhiều hợp tác xã thành lập công ty trong lòng hợp tác xã, có nên không? Cũng có nhiều hợp tác xã hình thành bắt đầu từ công ty. Có sự cạnh tranh giữa hợp tác xã với hợp tác xã không?. Nếu bình yên thì có phát triển được không? Tất cả những điều này cần được qua tâm hơn trong dự thảo luật.

PGS.TS. Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng hợp tác xã là tổ chức tự trị của những người tự nguyện đoàn kết giúp đỡ nhau về kinh tế, xã hội và văn hóa thông qua một doanh nghiệp đồng sở hữu. Có nhiều ý kiến trái chiều, coi hợp tác xã là hợp tác xã chứ không phải là doanh nghiệp. Nhưng có ý kiến lại nhận định rằng hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp thì mới hoạt động được trên thị trường. Đây là vấn đề còn bỏ trống trong luật hiện nay.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 23-2023 phát hành ngày 05-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Sửa luật để hợp tác xã là cầu nối giữa nông dân với thị trường  - Ảnh 1