13:17 12/04/2023

Hợp tác xã nông nghiệp cần chuẩn hóa từ quy trình canh tác đến năng lực quản lý

Chương Phượng

Phát triển hợp tác xã cần ưu tiên nâng cao năng lực, tri thức hoá đội ngũ lãnh đạo, quản lý hợp tác xã… Năm 2023, các hợp tác xã nông nghiệp cần thực hiện bằng được mục tiêu “chuẩn hóa”. Bao gồm chuẩn hóa từ giống, quy trình canh tác, nuôi trồng, thu hoạch, vùng nguyên liệu…

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đang từng bước trở thành động lực phát triển kinh tế của các địa phương, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp.
Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đang từng bước trở thành động lực phát triển kinh tế của các địa phương, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp.

Chủ trì “Tọa đàm phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững”, ngày 11/4,  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: "Khi bước vào thời kỳ mới, cách tiếp cận, cách thực hiện gắn với hợp tác xã lại thiếu tính cập nhật, chưa phù hợp, ít nhiều bộc lộ biểu hiện nóng vội".

QUÝ 1/2023: THÀNH LẬP MỚI 562 HỢP TÁC XÃ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022 được đánh giá là năm có sự phục hồi mạnh mẽ sau tác động từ dịch Covid-19, nên lĩnh vực nông nghiệp có sự tăng trưởng cao, GDP toàn ngành đạt 3,36% - mức cao nhất nhiều năm gần đây. Đạt được thành quả này, có vai trò quan trọng từ các hợp tác xã nông nghiệp.

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tính đến hết năm 2022, cả nước có gần 20.000 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 66,4% với gần 6 triệu thành viên. Tổng số lao động thường xuyên trong hợp tác xã năm 2022 là 976.300 người.

Ngoài ra, hiện cả nước có trên 31.500 tổ hợp tác nông nghiệp (chiếm khoảng 45% tổng số tổ hợp tác trên cả nước), thu hút sự tham gia của trên 490 nghìn thành viên;

Trong quý 1/2023, cả nước tiếp tục thành lập mới 562 hợp tác xã nông nghiệp, giải thể 31 hợp tác xã. Các tỉnh, thành phố có số hợp tác xã thành lập mới tiêu biểu như: Hà Nội 31 hợp tác xã, Bắc Giang 26 hợp tác xã và Thái Nguyên 25 hợp tác xã.

Ông Nguyễn Văn Tiến - nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) nhận định: Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có sự chuyển đổi về chất, nhưng nhìn chung quy mô của hợp tác xã còn khiêm tốn. Do đó, chính sách cần phải hướng mạnh tới việc hỗ trợ các hợp tác xã phát triển quy mô (cả về quy mô dịch vụ, số lượng hợp tác xã, số lượng thành viên tham gia vào hợp tác xã).

"Cần phải có quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận đất đai, cũng như tiếp cận tín dụng, khoa học công nghệ để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn", ông  Tiến nhấn mạnh. 

Đề cập tình hình phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô, ông Nguyễn Tiến Phong - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội, cho biết trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có 2.374 hợp tác xã và Quỹ Tín dụng nhân dân. Những năm qua, Hà Nội đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đang từng bước trở thành động lực phát triển kinh tế của các địa phương, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, thay thế dần quy mô kinh tế hộ gia đình, thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị Thủ đô.

CẦN NHÌN RA ĐIỂM MẠNH, ĐIỂM YẾU ĐỂ CÓ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN

Chủ trì tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, hợp tác xã nông nghiệp không chỉ có bước tăng trưởng đáng ghi nhận về số lượng, mà còn thể hiện sự bứt phá, vươn lên, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, tích cực tham gia an sinh xã hội.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì tọa đàm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì tọa đàm.

Thời gian qua, cùng với việc mở rộng liên kết sản xuất, các hợp tác xã đã quan tâm đầu tư chế biến nông sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi giải quyết đầu ra sản phẩm cho các hộ nông dân. Hoạt động của hợp tác xã đã góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết hợp tác trong nội bộ hợp tác xã, đặc biệt góp phần tích cực vào ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Nhiều hợp tác xã chủ động tiếp cận nông nghiệp số, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu; tích cực liên kết với doanh nghiệp, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản cho các thành viên ngay trong thời điểm đứt gãy chuỗi cung ứng.

 

“Giờ là lúc các địa phương cần ngồi lại phân tích điểm mạnh, điểm yếu từng hợp tác xã, với từng giải pháp cụ thể, hành động cụ thể. "Hãy khôi phục lòng tin và khơi dậy hy vọng, chúng ta cần hợp tác, chúng ta cần đối thoại, chúng ta cần thấu hiểu".

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cùng với đó, đã nhiệt tình tham gia đóng góp phù hợp với năng lực trong chuỗi ngành hàng: Cung cấp giống, hướng dẫn quy trình sản xuất, ứng dụng sau thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Nhiều hợp tác xã thu hút được quản lý trẻ, năng động, giàu nhiệt huyết, sẵn lòng tiếp nhận tri thức, kỹ năng mới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng khi bước vào thời kỳ mới, cách tiếp cận, cách thực hiện gắn với hợp tác xã lại thiếu tính cập nhật, chưa phù hợp, ít nhiều bộc lộ biểu hiện nóng vội. Từ đó, hợp tác xã rơi vào tình trạng “trầm lắng”.

“Nghị quyết 20-NQ/TW về phát triển kinh tế tập thể, lần nữa khẳng định vai trò không thể thay thế của hợp tác xã, được xem là bước ngoặt cho phong trào hợp tác xã cả nước. Sự hợp tác của những người cùng ngành nghề và những ngành nghề hỗ trợ, giúp tăng thêm khả năng cạnh tranh. Đó là “tắt lửa tối đèn có nhau” từ nhu cầu cuộc sống thường ngày, đến phát triển và nâng cao năng lực cộng đồng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

"Hợp tác xã có bền vững hay không, trước tiên dựa trên tinh thần hợp tác. Tinh thần hợp tác không chỉ quyết định bởi phân chia lợi ích cân bằng, mặc dù đây là điều kiện tiên quyết, mà còn dựa trên niềm tin lẫn nhau", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đồng thời cho biết qua tiếp xúc, trao đổi, lắng nghe, tôi càng thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, trăn trở từ nhiều lãnh đạo hợp tác xã. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham vấn ý kiến để trình Chính phủ ban hành nghị quyết chuyên đề về hợp tác xã nông nghiệp, theo hướng hỗ trợ cho hợp tác xã thích ứng với nền kinh tế thị trường, tham gia tích cực vào chuỗi ngành hàng.

"Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phải đủ rõ, dễ tiếp cận, thu hút được nguồn lực từ các tổ chức tín dụng, vốn của doanh nghiệp và của chính hợp tác xã. Nâng cao năng lực, tri thức hoá đội ngũ lãnh đạo, quản lý và thành viên hợp tác xã cũng là ưu tiên trong thời gian tới”, ông Hoan khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, điểm nghẽn lớn nhất trong hiện thực hoá tư duy kinh tế nông nghiệp hiện nay, đó là đang có nhiều tranh luận giữa tích tụ và tập trung đất đai. Tuy nhiên, trong ngắn hạn cần ưu tiên hơn mô hình tập trung đất đai, thông qua phát triển hợp tác xã nông nghiệp. 

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương cần phối hợp đưa ra các giải pháp phù hợp như giải thể, củng cố, kết nạp thêm thành viên, liên kết các hợp tác xã, tiến tới thành lập liên hiệp hợp tác xã hay hợp tác xã quy mô lớn hơn, hoạt động hiệu quả hơn”, ông Lê Minh Hoan yêu cầu.