TP.HCM tái thi công dự án chống ngập ngăn triều 10.000 tỷ đồng
Sau hơn hai năm rưỡi dừng thi công kể từ tháng 8/2020, dự án ngăn triều thuộc Quy hoạch 1547 của TP.HCM, có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng đã tái khởi động…
Nhà đầu tư Trung Nam BT 1547 thuộc Trung Nam Group, vừa cho thi công trở lại ở công trường cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè, TP.HCM), cống lớn nhất trong sáu cống ngăn triều thuộc Dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu TP.HCM - giai đoạn 1.
Phía nhà đầu tư cũng cho biết là nếu các khó khăn về vốn được tháo gỡ thì khoảng tháng 6/2023 sẽ tái thi công ở tất cả các cống của dự án. Khoảng tháng 02/2024, dự án sẽ hoàn thành và vận hành thử nghiệm và đến tháng 5/2024 sẽ bàn giao cho TP.HCM. Hiện tiến độ hiện của dự án đã đạt khoảng 93% tổng khối lượng.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng này có tất cả 9 hạng mục, trong đó có sáu cống và một công trình đê kè ven sông Sài Gòn dài gần 8 km. Cụ thể tiến độ hoàn thành các cống như sau: Cống Bến Nghé đạt 97%, cống Tân Thuận đạt 93%, cống Phú Xuân 90%, cống Mương Chuối 93%, cống Cây Khô 85%, cống Phú Định 88% và công trình đê kè – cầu kinh Bà Bướm (85 – 92%).
Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét tới biến đổi khí hậu”, có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng ở TP.HCM. Dự án thuộc chương trình QH 1547 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Tp.HCM, được đầu tư theo phương thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) do Trung Nam Group là nhà đầu tư, kinh phí do TP.HCM trả (tiền mặt và đổi đất), với tiến độ thực hiện dự kiến ban đầu là 36 tháng (6/2016 – 4/2018).
Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biếm đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² (DT TP.HCM là 2.095,5 km2) với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và khu vực trung tâm TP.HCM (các quận 1, 4, 7, 8, Nhà Bè, Bình Chánh...); đồng thời chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước (bơm nước thoát ra từ các hệ thống thoát nước đô thị thoát ra kênh rạch).
Sau nhiều lần dừng thi công và lỡ hẹn thời gian hoàn thành, dự án sau đó được dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020 nhưng cũng không kịp tiến độ do vướng mắc về giải ngân vốn và mặt bằng sạch. Từ tháng 8/2020, dự án đồng loạt dừng thi công ở tất cả các hạng mục công trình.
TP.HCM đã có tổ chức nhiều cuộc họp với các ban ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn cho dự án.
Ngày 01/4/2021, Chính phủ đã có Nghị quyết số 40/NQ-CP về việc tiếp tục triển khai dự án. Cụ thể, Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai dự án theo kiến nghị của Uỷ ban nhân dân TP.HCM.
Ngày 01/7/2021, kết luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải chủ động, nỗ lực giải quyết các nhiệm vụ tồn đọng, kéo dài theo tinh thần “làm việc nào dứt điểm việc đó”. Một trong các dự án Thủ tướng yêu cầu làm việc dứt điểm là công trình ngăn triều 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM.
Gần đây, đầu tháng 7/2022, Sở Xây dựng TP.HCM trong báo cáo gửi Ủy ban nhân dân Thành phố cũng đã nêu chỉ tiêu trong năm 2022 là “Cơ bản hoàn thành Dự án giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) để chống ngập triều khu vực bờ hữu sông Sài Gòn với diện tích bảo vệ 570 km2.
Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc trong thực tế triển khai, công trình cống Mương Chuối, một hợp phần của dự án với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng vừa được tái khởi động vào ngày 11/3/2023 vừa qua là tín hiệu vui cho dự án. Vì như nhà đầu tư cho biết thì nếu theo đúng tiến độ như trên thì đến tháng 2 năm sau dự án sẽ hoàn thành và thang 5/2024 sẽ đi vào hoạt động.
Có mặt và thị sát tại công trường cống Mương Chuối hôm dự án được tái thi công, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM Bùi Xuân Cường nhận xét hiện dự án có nhiều điều kiện thuận lợi như mặt bằng sạch, dịch Covid-19 cũng đã qua, và Ngân hàng BIDV cũng cho biết sẵn sàng vào làm việc với các bên để tháo khó khăn cho dự án.