16:57 08/03/2023

Gần 79.500 tỷ vốn đầu tư công chưa phân bổ, nhiều dự án chưa đủ điều kiện nhưng lại giao vốn

Trâm Anh

Theo Bộ Tài chính, đến cuối tháng 2/2023, còn gần 79.500 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 chưa phân bổ do hàng loạt dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Trong quá trình phân bổ, xuất hiện nhiều dự án chưa đủ điều kiện giải ngân...

26 bộ, cơ quan trung ương và 50 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng giao như: Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hưng Yên, Tuyên Quang...
26 bộ, cơ quan trung ương và 50 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng giao như: Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hưng Yên, Tuyên Quang...

Thông tin về tình hình triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tính đến cuối tháng 2/2023, Bộ Tài chính cho biết, tổng số vốn đã phân bổ là 672.032,241 tỷ đồng, đạt 95,05% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (707.044.198 tỷ đồng).

Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 44.452,675 tỷ đồng. Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách các địa phương giao tăng thì tổng số vốn đã phân bổ là 627.579,566 tỷ đồng, đạt 88,76% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.

CÒN GẦN 79.500 TỶ ĐỒNG CHƯA PHÂN BỔ

Cũng theo Bộ Tài chính, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 là 764.384,061 tỷ đồng (không bao gồm 6.753 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển đã giao tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 18/11/2022 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 hỗ trợ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ nhà nước giao); trong đó, vốn trong nước là 751.496,873 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 29.000 tỷ đồng.

Còn kế hoạch vốn đã được Quốc hội, Thủ tướng giao là 707.044.198 tỷ đồng.

 

Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 79.464,632 tỷ đồng, chiếm 11,24% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Trong gần 79.500 tỷ đồng kế hoạch vốn chưa phân bổ, theo Bộ Tài chính, số vốn chưa phân bổ của bộ, cơ quan trung ương là 13.850,945 tỷ đồng, chiếm 7,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Còn các địa phương chưa phân bổ là 65.613,687 tỷ đồng, chiếm 12,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đến thời điểm báo cáo, Bộ Tài chính cũng đã nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 của 49/52 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Còn lại 3 bộ, cơ quan trung ương gồm: Bộ Y tế, Kiểm toán nhà nước, Tổng công ty thuốc lá vẫn chưa gửi báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023

Trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 26/49 bộ, cơ quan trung ương và 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. 

PHÂN BỔ SAI QUY ĐỊNH NHIỀU DỰ ÁN 

Qua quá trình thực hiện việc kiểm tra, rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính nhận thấy còn một số vấn đề còn tồn tại.

Cụ thể, "nhiều đơn vị phân bổ cho một số dự án chưa đủ điều kiện giải ngân như: dự án khởi công mới chưa có quyết định đầu tư; dự án chuẩn bị đầu tư chưa có dự toán chuẩn bị đầu tư được phê duyệt; phân bổ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội cho một số dự án không thuộc danh mục dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội...", Bộ Tài chính nêu rõ bất cập.

Cùng với đó, có dự án tại tỉnh Hưng Yên bố trí vốn quá thời gian quy định; có hai dự án tại tỉnh Đắk Nông dự kiến hoàn thành năm 2023 nhưng chưa bố trí đủ vốn ngân sách trung ương theo tổng mức đầu tư được duyệt.

 

"Tỉnh Quảng Bình đã phân bổ 150 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương chương trình phục hồi cho hai dự án thuộc lĩnh vực y tế khi chưa có quyết định đầu tư và chưa được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của chương trình", Bộ Tài chính cho hay.

Vì vậy, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh lại kế hoạch phân bổ chi tiết theo đúng quy định làm căn cứ để nhập dự toán và kiểm soát thanh toán cho các dự án.

LOẠT DỰ ÁN CHƯA HOÀN THIỆN THỦ TỤC ĐẦU TƯ

Đề cập đến nguyên nhân của việc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn, Bộ Tài chính cho hay thứ nhất, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương không bao gồm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 26/49 bộ, cơ quan trung ương và 39/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, "một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao như: Bộ Thông tin và truyền thông (88,48%), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (87,94%), Bộ Tài chính (86,58%), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (86,06%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (86,21%), Hưng Yên (81,57%), Văn phòng Trung ương Đảng (80,2%), Tuyên Quang (76,64%)...", Bộ Tài chính nêu rõ.

Theo Bộ Tài chính, vốn trong nước chủ yếu là các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện để giao chi tiết vốn năm 2023.

Ngoài ra, còn một số dự án lớn của bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án như: cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn, Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô (Bắc Ninh, Hưng Yên), Kè đầm Cù Mông tỉnh Phú Yên, dự án thành phần 5 (tỉnh Bình Dương) thuộc dự án Đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh...

"Vốn nước ngoài chưa phân bổ hết do chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay (Quảng Trị); chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ, đang lấy ý kiến nhà tài trợ hoàn thiện thủ tục sử dụng vốn dư (Đắk Nông); địa phương đề nghị hoàn trả ngân sách trung ương do tỉnh đánh giá khả năng không giải ngân hết (Quảng Ninh)", Bộ Tài chính thông tin.

Thứ hai, đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, có 39/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 15/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương.

Nguyên nhân là do một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa phân bổ hết vốn đầu tư từ nguồn sử dụng đất, bội chi ngân sách địa phương.

Thứ ba, đối với vốn kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia, đến thời điểm báo cáo, Bộ Tài chính nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch vốn của 40/48 địa phương, trong đó, có 15/40 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn.

Trong số các địa phương Bộ Tài chính nhận được báo cáo phân bổ, có 16/40 địa phương đã phân bổ vốn chi tiết đến danh mục dự án, 24/40 địa phương mới phân bổ vốn cho các đơn vị trực thuộc.