TP.HCM thí điểm cân tự động, xử lý xe quá tải
TP.HCM bắt đầu triển khai kế hoạch thí điểm sử dụng cân tải tự động để xử phạt hành chính các cá nhân, tổ chức vận chuyển bằng ô tô khi người lái, chủ xe đã rời hiện trường nơi phát hiện vi phạm...
Sở Giao thông vận tải TP.HCM, ngày 19/10 vừa qua thông báo cho biết chính thức thí điểm áp dụng biện pháp cân tự động để “phạt nguội” các cá nhân, tổ chức vi phạm quá tải trọng lượng xe.
Thời gian thí điểm áp dụng xử phạt là một năm, kể từ 19/10/2023. Sau đó Sở Giao thông vận tải sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả và tham mưu, đề xuất với Uỷ ban nhân dân TP.HCM phương án tổ chức thực hiện phù hợp.
Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị Thành phố được giao quản lý và vận hành trạm kiểm tra tải trọng xe cố định. Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM căn cứ kết quả ghi nhận để xử phạt vi phạm hành chính. Thời gian thu thập dữ liệu 24/24/7.
Hệ thống cân tự động có thiết bị cảm biến đặt dưới đường, có camera tự động chụp lại biển số của xe, đọc ra các thông tin như tên chủ xe, khối lượng xe, khối lượng hàng hóa được phép chở, kích thước thành thùng,... Hệ thống sẽ tự động tính toán xe có vi phạm tải trọng không, mức độ thế nào. Sở Giao thông TP.HCM cũng cho biết có 3 trường hợp trạm tạm dừng thu thập dữ liệu: Khi kiểm định, hiệu chỉnh, bảo dưỡng; khi gặp sự cố đường truyền tín hiệu, thiết bị hỏng; do yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền.
Theo kế hoạch, việc thí điểm cân tải tự động được thực hiện tại các điểm: Trạm kiểm tra tải trọng số 3, khu vực cầu Ông Lớn trên đại lộ Nguyễn Văn Linh (hướng huyện Bình Chánh đi quận 7); Trạm kiểm tra tải trọng xe số 6 và 7, khu vực Trạm thu phí An Sương - An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM).
Về quy trình, hàng ngày, nhân viên của Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị TP.HCM sẽ truy cập vào hệ thống kiểm soát tải trọng xe tìm kiếm, trích xuất phiếu cân những xe vượt quá tải trọng cho phép, mức vi phạm theo quy định, sau đó chuyển hồ sơ đề nghị xử phạt đến Thanh tra Sở Giao thông vận tải.
Khi nhận được hồ sơ đề nghị xử phạt, Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM tiến hành xác minh, lập hồ sơ xử lý và gửi thông báo đến chủ xe. Nếu quá thời hạn giải quyết mà chủ xe chưa đến, đơn vị xử lý gửi thông báo tới cơ quan đăng kiểm đưa vào diện cảnh báo liên quan vi phạm hành chính.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện nghiêm cấm các đơn vị có hành vi tiêu cực, gây nhũng nhiễu, phiền hà, khó khăn cho cá nhân, tổ chức hoạt động vận tải. Theo định kỳ hàng quý, trước ngày 25 mỗi tháng, Thanh tra Sở Giao thông vận tải báo cáo kết quả về Sở Giao thông vận tải Thành phố để ơ qua này xem xét báo cáo Uỷ ban nhân dân TP.HCM và Bộ Giao thông vận tải. Ngoài ra, Sở Giao thông vận TP.HCM cũng đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.HCM, Uỷ ban nhân dân các quận/huyện 7, Bình Tân và Bình Chánh phối hợp, chỉ đạo lực lượng hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ.
TP.HCM là địa phương có mật độ xe cộ giao thông lớn. Đa số các tuyến đường trong đô thị có mặt cắt ngang nhỏ, nên việc bố trí lực lượng dừng xe kiểm tra tải trọng trên đường rất khó khăn. Thời gian qua đã có nhiều trường hợp lực lượng chức năng không thể dừng xe để tránh ùn tắc giao thông, dù hệ thống cân sơ cấp đã báo hiệu phương tiện có dấu hiệu vi phạm.
Trước thực trạng này và vì vậy, ngày 06/6/2023, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có văn bản gửi các sở, ngành, quận huyện liên quan, cho phép triển khai xử phạt theo quy trình thí điểm xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức vận tải hàng hóa bằng xe ô tô thông qua việc sử dụng thiết bị cân tải trọng tự động. Sau thời gian thí điểm này, Sở Giao thông vận tải đánh giá kết quả thực hiện để tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân TP.HCM phương án tổ chức thực hiện phù hợp.