TP.HCM: Triển khai xây dựng lộ trình miễn phí cho học sinh phổ thông
TP.HCM xây dựng và tiếp tục triển khai thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông, trước hết là đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở...
Nội dung này được nêu lên tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM nhiệm kỳ 2020 – 2025, do Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức vừa qua.
Trong thời gian qua, ngành giáo dục TP.HCM đã thực hiện các đề án, chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giữ vững là đơn vị dẫn đầu cả nước về giáo dục và đào tạo.
Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã chỉ đạo chặt chẽ công tác quy hoạch mạng lưới trường học, ưu tiên đầu tư xây dựng trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, một số chỉ tiêu còn chậm; cụ thể như chỉ tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học đến năm 2025, chỉ tiêu có ít nhất 30% mã ngành đào tạo ở các trường công lập được công nhận là mã ngành trọng điểm,...
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, trong nửa nhiệm kỳ qua, mặc dù TP.HCM trải qua giai đoạn khó khăn của dịch Covid-19 nhưng toàn ngành giáo dục của Thành phố đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, vận dụng sáng tạo các giải pháp để đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chỉ tiêu, của Nghị quyết đến nay cơ bản đáp ứng tiến độ. Ngành giáo dục Thành phố đã giữ vững vai trò tiên phong, mạnh dạn đổi mới, đột phá trong tất cả các bậc học, ngành học.
Cũng theo bà Lệ, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. “Nghị quyết này cho phép TP.HCM quyết định về quy mô, tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo”, bà cho hay.
Cũng theo Nghị quyết 98, TP.HCM được quyết định về nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, mức thu nhập và các chính sách khác để tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ ca,…
Bà Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị ngành giáo dục và đào tạo Thành phố xác định rõ vị trí, vai trò, tiềm năng và thế mạnh của mình để nghiên cứu tham mưu Uỷ ban nhân dân Thành phố, Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành các chính sách phù hợp nhằm đẩy mạnh phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngành giáo dục và đào tạo Thành phố cũng được đề nghị tăng tốc thực hiện đề án “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực và khuyến khích đại học chia sẻ giai đoạn 2020 - 2035”, và đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 – 2030”.
Ngoài ra, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố cũng cần tiếp tục chuyển đổi mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Đặc biệt là xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông, trước hết là đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở.
TP.HCM đã áp dụng miễm, giảm học phí cho học sinh công lập các bậc học, từ mầm non đến phổ thông từ năm học 2021 – 2022, năm học chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dại dịch Covid-19, nhằm chia sẻ khó khăn cho cha mẹ và học sinh.
Cụ thể, ở học kỳ I năm học 2021 – 2022, vì học sinh phải học trực tuyến tại nhà và không đến trường nhằm thực hiện giãn cách xã hội, tất cả học sinh đã không phải đóng học phí. Ở học kỳ II năm học này, học sinh đã đến trường học trực tiếp, Hội đồng nhân dân TP.HCM cũng đã quyết định miễn học phí (học kỳ II) cho học sinh hệ công lập từ mầm non đến phổ thông. Đối với các trường ngoài công lập, được áp dụng mức học phí tương đương với mức học phí của cơ sở giáo dục phổ thông công lập cùng cấp học trên địa bàn, và nếu học trực tuyến thì chỉ thu 50% học phí.
Ngân sách hỗ trợ miễn học phí khoảng 1.000 tỷ đông, bao gồm: hỗ trợ học kỳ I là 427 tỷ đồng, và hỗ trợ học kỳ II là 533 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của Thành phố.
Năm học 2022 – 2023, TP.HCM thực hiện giữ nguyên mức thu các khoản trong năm học 2021 - 2022 để thực hiện cho năm học mới. Cụ thể, Thành phố yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn thực hiện nguyên tắc: Duy trì, giữ nguyên toàn bộ các nội dung và định mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập đã thực hiện trong năm học 2021 - 2022, để tiếp tục thực hiện cho năm học 2022 - 2023.