TP. Hồ Chí Minh lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án vành đai 4
Ngày 16/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký văn bản số 807/TTg về việc giao cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh…
Phó Thủ tướng giao UBND TP. Hồ Chí Minh làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể trên cơ sở tổng hợp từ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần đã được các địa phương tổ chức lập, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.
UBND các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An có trách nhiệm phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh trong quá trình hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và triển khai dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để sớm tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP. Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, tuyến đường này đi qua địa giới hành chính của 12 huyện thuộc 5 tỉnh, thành phố: Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (huyện Tân Thành); tỉnh Đồng Nai (3 huyện: Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu); tỉnh Bình Dương (2 huyện: Tân Uyên, Bến Cát); TP. Hồ Chí Minh (huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè); tỉnh Long An (4 huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc).
Theo đề xuất, dự án vành đai 4 TP.HCM - giai đoạn 1 sẽ xây dựng 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh kèm làn dừng khẩn cấp rộng 3m trên toàn tuyến. Tuyến đường song hành và đường dân sinh hai bên tuyến cũng được đầu tư tùy theo nhu cầu giao thông tại từng đoạn, khu vực, đặc biệt ở những nơi có khu đô thị, khu dân cư.
Ngoài ra, các địa phương sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt (8 làn) nhằm tạo thuận lợi cho việc mở rộng đường trong tương lai.
Dự án vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh có chiều dài 207km sẽ thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 136.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương tham gia dự án gần 42.554 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng 33.584 tỉ đồng.
Theo văn bản kiến nghị Thủ tướng vào đầu tháng 10/2024, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ báo cáo, trình cấp thẩm quyền thẩm định và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp chuyên đề cuối năm 2024.
Ngoài văn bản số 807/TTg, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng vừa ký Quyết định số 1188/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau, đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và tương đương. Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư dự án. Vốn đầu tư của dự án khoảng 2.400 tỷ đồng, sử dụng 100% vốn chủ sở hữu của ACV.