05:10 22/10/2010

“Trách nhiệm của Quốc hội là không có nhiệm kỳ”

Nguyễn Lê

Đại biểu Dương Trung Quốc nói về những mối quan tâm đặc biệt của ông tại kỳ họp Quốc hội thứ tám

Đại biểu Dương Trung Quốc trong một lần phát biểu tại Quốc hội.
Đại biểu Dương Trung Quốc trong một lần phát biểu tại Quốc hội.
Chia sẻ với VnEconomy về những mối quan tâm đặc biệt tại kỳ họp Quốc hội thứ tám đang diễn ra, đại biểu Dương Trung Quốc kể, ngày 15/10 vừa qua, ông đã gửi thư đến Chủ tịch Quốc hội để đề cập một số nội dung, trong đó có vấn đề khai thác bauxite và xây dựng công nghiệp luyện nhôm ở Tây Nguyên.

Theo ông, đây là vấn đề đã gây dư luận xã hội kéo dài. Quốc hội cũng đã từng thảo luận với nhiều ý kiến khác nhau. Cho dù Nhà nước vẫn chủ truơng triển khai dự án này, nhưng việc giám sát của Quốc hội là phải thường xuyên.

Không để xảy ra sự cố tương tự

Bức thư gửi Chủ tịch Quốc hội của đại biểu Dương Trung Quốc được gửi đi sau khi vụ vỡ đập bùn đỏ xảy ra ở Hungary, gây hậu quả nghiêm trọng cho quốc gia này và gây quan ngại cho nhiều nước ở châu Âu. “Điều đó khiến dư luận nước ta lo lắng một cách có cơ sở”, đại biểu Quốc nhấn mạnh trong thư.

Theo quan điểm của ông, cho dù Bộ Công Thương đã kịp thời tổ chức rà soát lại công việc triển khai dự án đang thực hiện, nhưng Quốc hội vẫn phải thực thi trách nhiệm của mình một cách độc lập.

“Tôi đề nghị tại kỳ họp này, Chủ tịch cần bày tỏ một thái độ rõ ràng đối với những ý kiến quan ngại của nhân dân; các ủy ban của Quốc hội có liên quan cần có những hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật và bày tỏ ý kiến rõ ràng. Điều này vừa thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, vừa góp phần an dân, một điều hết sức cần thiết trong hoàn cảnh đất nước hiện nay”, ông Quốc viết trong thư. “Đây là một vấn đề mà hậu quả luôn tiềm ẩn lâu dài, nên mọi đại biểu Quốc hội đều có trách nhiệm đối với những quyết định của mình trước lịch sử (không phải chỉ trong nhiệm kỳ ngắn hạn của mình). Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất thì trách nhiệm cũng phải là cao nhất...”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, 4 ngày sau (19/10), ông đã nhận được văn bản trả lời của Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng.

Văn bản có đoạn viết: “Trước hết, về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên, quý đại biểu đã rất đúng khi cho rằng Quốc hội cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, nhất là sau sự cố vỡ đập bùn đỏ ở Hungary. Thời gian vừa qua, các cơ quan của Quốc hội, cụ thể là Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đi khảo sát, giám sát nhiều lần tại Tây Nguyên, và đã đưa ra nhiều kiến nghị, nhiều yêu cầu tới Chính phủ, các cơ quan hữu quan. Theo đại diện của Thường trực Ủy ban, tới đây, nhất là sau thảm hoạ bùn đỏ ở Hungary, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát nhằm không để xảy ra sự cố tương tự ở Việt Nam...”.

“Chắc là khi tham gia đóng góp ý kiến về kinh tế - xã hội tại Quốc hội, tôi sẽ đề cập đến việc này”, ông Quốc nói.

Đề nghị giám sát ngay tại kỳ họp

Thưa, ông có thể cho biết cụ thể hơn ý kiến đó?

Tôi sẽ đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ với Quốc hội nội dung nói trên, vì một báo cáo kinh tế - xã hội phải luôn luôn phản ánh đầy đủ những vấn đề nóng hiện nay, bên cạnh những vấn đề chung của cả một tiến trình phát triển. Rồi báo cáo của Quốc hội cũng phải phản ánh được những cái “nóng” đó, ít nhất là để an dân đã.

Như vậy có thể thấy cá nhân ông rất lo lắng trước sự cố bùn đỏ ở Hungary?

Tôi rất lo. Vì ta biết Hungary là một nước có truyền thống làm về nhôm, một thời được coi là một quốc gia có công nghệ nhôm hàng đầu của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Và đương nhiên ta cũng coi đấy là rủi ro, không hoàn toàn tùy thuộc vào công nghệ. Và những rủi ro ấy, nhất là ở nước ta, tôi nghĩ vẫn chưa có truyền thống quản lý chặt chẽ, thì lại càng đáng lo. Cũng như khi xây dựng nhà máy điện nguyên tử vậy, tại sao ta lo vì chúng ta chưa có tập quán, truyền thống, kinh nghiệm, thì dự án này cũng thế thôi.

Thưa ông, liệu đây có phải nguyên nhân của không ít ý kiến đề nghị cần cân nhắc thật kỹ việc triển khai rộng rãi các dự án bauxite ở nước ta?

Tôi nghĩ trước khi dừng lại hay tiếp tục đều phải có luận chứng. Không gì tốt bằng là ở chính Quốc hội. Chính phủ giải trình và Quốc hội phải góp ý kiến. Nếu cảm thấy sự giải trình của Chính phủ làm cho mọi người yên tâm thì có thể tiếp tục, còn nếu không yên tâm thì chúng ta nên có thảo luận một cách hết sức minh bạch, nhất là cho người dân được nghe. Vì rõ ràng hậu quả bao giờ người dân cũng phải chịu đầu tiên.

Trong bức thư gửi Chủ tịch Quốc hội, ông có nhấn mạnh đến vai trò giám sát. Theo ông thì có đề nghị nên giám sát ngay từ kỳ họp này không?

Tôi đề nghị giám sát ngay tại kỳ họp này. Bởi cho dù Chính phủ chưa báo cáo, nhưng giám sát là một quá trình. Ít nhất tại đây Quốc hội phải chất vấn Chính phủ, yêu cầu Chính phủ trình bày trước Quốc hội rằng đứng trước dư luận như thế, Chính phủ có cam kết như thế nào? Đây là trách nhiệm lâu dài chứ không phải trách nhiệm của một nhiệm kỳ. Ví dụ Quốc hội có một hành xử liên quan thì phải nghĩ đó là một trách nhiệm lâu dài.

Theo tôi, chính Quốc hội là cơ quan phải nắm bắt được suy nghĩ, băn khoăn, kể cả sự lo sợ của người dân mình. Với chức năng của mình phải yêu cầu Chính phủ thực thi, thậm chí có những quyết định với tư cách cơ quan tối cao để mà quyết định vấn đề đó. Đương nhiên quyết định là phải thận trọng, quyết định phải trên cơ sở khoa học chứ không phải là ngồi im.

Phải chăng ông đang “đòi hỏi” sự chủ động cao hơn của Quốc hội trong giám sát các vấn đề lớn?

Các dự án bauxite,  mặc dù Chính phủ đã quyết định, Quốc hội không có sự ngăn cản, nhưng mà vẫn là mối lo, bởi những vấn đề Quốc hội bàn về bauxite đã ngã ngũ đâu. Tôi cho là vẫn chưa có sự ngã ngũ, nên chuyện này vẫn phải tiếp tục bàn, không phải xong là xong. Cho nên tôi thấy việc không đưa vấn đề này ra Quốc hội là sự thiếu nhạy bén của Quốc hội.

Phải chăng qua tiếp xúc, ông vẫn thấy cử tri quan ngại về vấn đề môi trường khi tiến hành khai thác các dự án bauxite ở Tây Nguyên?

Tôi nghĩ khi Chính phủ vẫn triển khai thì mối lo vẫn tiếp tục, không chỉ riêng môi trường mà còn cả những vấn đề có liên quan như vấn đề nhân công, an toàn, an ninh quốc gia… và đặc biệt là hiệu quả kinh tế.

Vậy nên, không chỉ phát biểu trong đóng góp ý kiến cho báo cáo của Chính phủ về cách nhìn vấn đề, mà tôi sẽ chất vấn trong phiên chất vấn những cơ quan có liên quan đến vấn đề này.

Vâng, ở trên ông cũng có nói, mọi đại biểu Quốc hội đều có trách nhiệm đối với những quyết định của mình trước lịch sử, chứ không phải chỉ trong nhiệm kỳ ngắn hạn của mình.

Điều này thể hiện ở nội dung thư tôi gửi Chủ tịch Quốc hội. Nhưng vấn đề này tôi đã nêu lên nhiều lần tại các kỳ họp trước, đó là việc bấm nút còn "vô danh". Cho nên người ta chỉ biết một con số Quốc hội đồng ý hay không đồng ý, không ai biết là cá nhân nào, và điều đó làm mất đi khả năng giám sát của cử tri và nhân dân với đại biểu do mình bầu chọn.  Ở Quốc hội các nước người ta coi đấy là việc quan trọng nhất.

Cái việc anh biểu quyết như thế nào thể hiện người dân có đồng thuận hay không, để quyết định có bầu người đó tiếp tục hay không. Thực ra công nghệ bấm nút nó chỉ giải quyết cho việc thuận tiện thôi, chứ trước kia Quốc hội vẫn giơ tay mà giơ tay thì ai cũng nhìn thấy người nào, thái độ thế nào.

Mà bây giờ công nghệ rất đơn giản thôi, chỉ cần đưa lên mạng, tất cả các sự kiện được ghi lại rồi và tất cả phải được ghi vào trong kỷ yếu để người sau kiểm soát. Người sau kiểm soát sẽ biết được cái quyết định vào năm ấy, người nào phải chịu trách nhiệm. Tốt thì được khen, mà xấu thì người ta chê.

Tại nước Anh, sau mấy trăm năm đến bây giờ họ vẫn giữ tập quán là đại biểu đồng ý ra cửa này, không đồng ý ra cửa kia. Ra là anh cứ ký vào biên bản. Biên bản ấy để ở hành lang Quốc hội, bất kỳ người dân nào cũng có thể kiểm tra được chuyện của cả vài trăm năm trước. Người ta bấm nút thì phải chịu trách nhiệm và cử tri có ủng hộ hay không là ở sự bấm nút ấy, phát biểu ý kiến ấy.