12:34 25/05/2021

Trái phiếu doanh nghiệp sắp hết thời "vàng thau" lẫn lộn?

Ánh Tuyết

Khi xếp hạng tín nhiệm độc lập lên tiếng, giá trị trái phiếu mà các doanh nghiệp phát hành sẽ phân rõ trắng, đen...

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup.

Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần FiinGroup cho biết, các cơ quan quản lý, sở giao dịch, các thành viên thị trường cùng đơn vị xếp hạng tín nhiệm độc lập đang cùng nỗ lực hướng đến sự phát triển đồng bộ, an toàn của thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn. 

Đồng thời các nhà phát hành cũng phải xác định rõ là chấp nhận cuộc chơi minh bạch, vì chiến lược dài hạn về vốn của họ, cũng như mong muốn thị trường hiểu và dần hình thành mức chi phí vốn được xem là hợp lý so với năng lực tín dụng, thay vì “cào bằng” ở mức 9-12% lãi suất như hiện nay, ở tất cả các ngành

Là một trong những yếu tố nền tảng để vận hành hiệu quả thị trường trái phiếu doanh nghiệp, xin ông cho biết vai trò của xếp hạng tín nhiệm?

Để vận hành hiệu quả  thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì cần nhiều yếu tố. Còn liên quan đến xếp hạng tín nhiệm, theo tôi cần lưu ý 2 yếu tố sau.

Thứ nhất, đối với thị trường sơ cấp, các đợt phát hành trái phiếu rộng rãi ra công chúng nên được bắt buộc xếp hạng độc lập. Hiện quy định chưa bắt buộc hoàn toàn kể cả sau thời hạn 2 năm tính từ đầu 2023. Lý do là nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư công chúng và hỗ trợ các nhà đầu tư tổ chức

Thứ hai, đối với thị trường thứ cấp, chúng tôi cho rằng bên cạnh công bố thông tin của doanh nghiệp và thông tin giao dịch được tập trung, cần công khai kết quả xếp hạng từng đơn vị phát hành và từng lô trái phiếu của họ. Qua đó, sẽ giúp phần thị trường tự định giá lợi tức trái phiếu một cách phù hợp.

Ở vai trò là đơn vị xếp hạng, chúng tôi sẽ cùng các cơ quan quản lý, Sở giao dịch và các thành viên thị trường thực hiện các hoạt động nhằm hướng dẫn và thông tin thêm để việc ứng dụng các kết quả xếp hạng của chúng tôi thực sự có giá trị cho họ và cho thị trường nói chung.

Một vấn đề lớn của thị trường trái phiếu hiện nay là tính minh bạch, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Thực tế, chúng tôi đã ấp ủ ý tưởng cách đây 5 năm, từ năm 2016 và trong đó có 2 năm chuẩn bị nền tảng cơ sở dữ liệu, năng lực phân tích và thực hiện các thủ tục xin cấp phép đủ điều kiện cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm này. Thị trường vốn Việt Nam trong hơn 20 năm qua đã phát triển rất mạnh, trong đó, có hai lĩnh vực mà xếp hạng tín nhiệm độc lập sẽ đóng vai trò cho hoàn thiện của thị trường, đó là thị trường trái phiếu doanh nghiệp và quản trị rủi ro tín dụng.

5 năm vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển rất mạnh mẽ, cả về quy mô và sự đa dạng về thành phần nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư cá nhân đại chúng. Việc các nhà phát hành và công cụ nợ của họ bao gồm trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi dần được xếp hạng, sẽ góp phần hỗ trợ nhà đầu tư hiểu rõ hơn điểm tín dụng và sức khỏe tài chính của họ một cách chuẩn hóa cao độ, có phương pháp và có sự so sánh trong tương quan với khẩu vị đầu tư, khẩu vị rủi ro và lợi nhuận mong muốn.

Như tôi đã chia sẻ trước đây, khác với kênh đầu tư chứng khoán, khi các nhà đầu tư sở hữu công cụ nợ, chẳng hạn như trái phiếu, thì mức độ thông tin không có được như nhà đầu tư chứng khoán. Bởi ít ra, nhà đầu tư chứng khoán còn được đi họp cổ đông một năm/lần và tiếp cận các công bố thông tin và phân tích độc lập. Trong khi đó, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu chủ yếu là các doanh nghiệp chưa đại chúng và thông tin công bố là rất hạn chế.

Riêng với lĩnh vực quản trị rủi ro tín dụng ngân hàng, hiện theo chuẩn Basel 2, bên cạnh việc áp dụng chấm điểm mang tính nội bộ bởi các tổ chức tín dụng và các định chế đầu tư, thông lệ quốc tế có áp dụng phương pháp tiếp cận chuẩn hóa hay còn gọi là “standardised approach”, tức là sử dụng các kết quả xếp hạng độc lập để tính toán và xác định rủi ro, hay chúng ta còn gọi là lập dự phòng nợ xấu. Hiện Việt Nam ta chưa làm được vì việc xếp hạng này mới bắt đầu.

Bộ Tài chính chỉ cấp phép cho 2 doanh nghiệp Việt thực hiện cung cấp dịch vụ tín nhiệm các doanh nghiệp Việt Nam. Với số lượng doanh nghiệp tham gia khiêm tốn, làm thế nào để đáp ứng nhu cầu, thưa ông? 

Đây là câu chuyện “con gà-quả trứng”. Nhu cầu thực chất chủ yếu hiện nay đến từ phía nhà đầu tư. Chúng tôi đã thực hiện nhiều phân tích và đánh giá độc lập phục vụ nhà đầu tư trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, do giới hạn về tiếp cận thông tin và do các quy định chưa bắt buộc, nên chúng tôi chỉ thực hiện với dịch vụ phân tích và đánh giá tín dụng đơn thuần.

Trong khi đó, về phía doanh nghiệp phát hành, quả thực họ chưa quan tâm. Chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn và các tổ chức tín dụng làm việc với các đơn vị xếp hạng quốc tế như S&P, Moody’s và Fitch như chúng ta đã biết, do họ có huy động nguồn vốn quốc tế ở nhiều hình thức khác nhau.

Dư địa thị trường nội địa vẫn rất lớn nhưng có lẽ cần thêm thời gian. Bởi các doanh nghiệp Việt Nam huy động ở thị trường nội địa là chính và các nhà đầu tư cá nhân, bao gồm cả các nhà đầu tư được phân loại là nhà đầu tư chuyên nghiệp theo quy định mới hiện nay. Do đó, nhu cầu xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp phát hành và các đợt phát hành của họ theo chúng tôi đánh giá là có.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần phải chứng minh năng lực và quan trọng là làm sao cùng các thành viên của thị trường và của cơ quan quản lý thuyết phục được giá trị đem lại cho họ là gì cho những chi phí phát sinh về phí xếp hạng và chi phí tuân thủ gia tăng. 

Hiện tại, Chính phủ đã  ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu, ông kỳ vọng thế nào về sự phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam thời gian tới? 

Tôi kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ phát triển mạnh trong các năm tới đây vì chức năng vốn có là kênh huy động vốn trung và dài hạn chứ không phải là chức năng chính của hệ thống ngân hàng.

Ở góc độ doanh nghiệp, chúng ta đều biết các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu vốn trung và dài hạn rất lớn, và hoạt động ở tất cả các ngành nghề khác nhau, chứ không chỉ tập trung vào bất động sản, năng lượng tái tạo hay ngân hàng.

Trong khi đó, ở góc độ nhà đầu tư, mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn trong môi trường ở mức thấp. Do đó, các đợt giao dịch phát hành trái phiếu có lãi suất cao hơn tầm 4-8% so với lãi suất gửi tiết kiệm 12 tháng, vẫn là kênh đầu tư được công chúng và định chế tài chính quan tâm.

Vấn đề là, cần có sự phát triển cả về hạ tầng cứng, chẳng hạn nơi giao dịch tập trung cho thị trường sơ cấp tương tự như thị trường chứng khoán cổ phiếu mà chúng ta đang chứng kiến và hạ tầng mềm bao gồm xếp hạng tín nhiệm, công bố thông tin... để cho thị trường này phát triển.

https://epaper.vneconomy.vn/files/2021/05/25/tcktso41/index.html