15:13 25/09/2023

Trạm sạc: Điểm chạm mới của ngành bán lẻ

Minh Nguyệt

Ý tưởng kết hợp trạm sạc và địa điểm mua sắm, ăn uống là một phương án kinh doanh khả thi, bởi nó vừa là một kênh bán hàng tiềm năng cho các nhà bán lẻ, vừa thúc đẩy người dùng sử dụng các phương tiện xanh...

Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tích hợp hệ thống sạc xe điện tại một số cửa hàng ở Mỹ và Canada. Ảnh: EVgo
Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tích hợp hệ thống sạc xe điện tại một số cửa hàng ở Mỹ và Canada. Ảnh: EVgo

Trên thực tế, số lượng xe điện trên toàn thế giới đang phát triển rất nhanh, tuy nhiên mạng lưới điểm sạc lại chưa theo kịp tốc độ này. Trong khi đó nếu việc đổ xăng dầu có thể xong trong vòng vài phút, thì quá trình sạc xe lại không nhanh như vậy. Điều này đã mở ra cơ hội tăng doanh thu cho các nhà bán lẻ, bởi vì cánh tài xế buộc phải dừng lại ở trạm sạc một khoảng thời gian và thường phát sinh nhu cầu sử dụng dịch vụ như ăn uống, mua sắm... trong khi chờ xe được sạc đầy.

NHIỀU DOANH NGHIỆP LỚN VÀO CUỘC

Đầu tháng 9/2023, chuỗi khách sạn Hilton vừa lắp đặt hàng loạt bộ sạc xe điện tại 2.000 khách sạn trên khắp Bắc Mỹ. Dự định trong năm 2024, chuỗi khách sạn này sẽ lắp tới 20.000 bộ sạc nữa, để mỗi khách sạn sẽ có ít nhất 6 bộ sạc.

Trước Hilton, nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn đã triển khai mạng lưới sạc xe điện của mình. Hồi cuối tháng 3, chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven thông báo sẽ tích hợp hệ thống sạc xe điện tại một số cửa hàng ở Mỹ và Canada, với tên gọi là 7Charge. Trước 7-Eleven vài ngày, Subway và Starbucks cũng tuyên bố sẽ tích hợp điểm sạc xe điện tại những cửa hàng của mình.

Tại Mỹ, khảo sát của Công ty nghiên cứu J.D. Power cho thấy khoảng 90% người lái xe điện đã mua hàng trong khi sạc tại trung tâm bán lẻ. Bằng cách lắp đặt các trạm sạc xe điện, các nhà bán lẻ cũng có thể tiếp thị cam kết của họ đối với tính bền vững và đầu tư vào ESG (Môi trường-Xã hội-Quản trị). Thông thường, các nhà bán lẻ có tùy chọn: tự mua, lắp đặt và sở hữu các trạm sạc hoặc ký hợp đồng với công ty sạc bên thứ ba. Cả hai mô hình đều có thể mang lại lợi ích cho nhà bán lẻ. Thậm chí, một số nhà bán lẻ có thể chọn cung cấp tính năng sạc miễn phí để khuyến khích người lái xe điện đến cửa hàng của họ mua sắm.

Juxta, một doanh nghiệp cung cấp các cửa hàng bán lẻ tiện lợi vi mô, đang trên đà thay đổi bối cảnh kinh doanh với việc giới thiệu mô hình Juxta Nomad cho phép người lái xe và hành khách thoải mái mua thực phẩm và đồ uống trong khi chờ xe của họ sạc. Om Shankar, Giám đốc điều hành của Juxta, nói: “Chúng tôi mong muốn hợp tác với các thương hiệu bán lẻ đã có uy tín, mở rộng dấu ấn của họ bằng cách nâng cao trải nghiệm trạm sạc và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu”.

Không yêu cầu mặt bằng diện tích lớn, các cửa hàng bán lẻ như của Nomad rộng khoảng 25 m2, được phân bổ tối ưu với các kệ trưng bày và giá đỡ hiện đại, có thể chứa từ 500 đến 600 mặt hàng có tốc độ luân chuyển nhanh, lợi nhuận cao.

Cánh tài xế thường phát sinh nhu cầu sử dụng dịch vụ như ăn uống, mua sắm trong khi chờ xe được sạc đầy.
Cánh tài xế thường phát sinh nhu cầu sử dụng dịch vụ như ăn uống, mua sắm trong khi chờ xe được sạc đầy.

Walmart cũng không đứng ngoài cuộc. Hệ thống đại siêu thị này có kế hoạch lắp đặt bộ sạc nhanh cho xe điện tại hàng ngàn địa điểm của Walmart và Sam’s Club trên khắp Hoa Kỳ vào năm 2030. Ngay cả “ông trùm” xe điện Tesla cũng không bỏ qua ý tưởng này với kế hoạch xây dựng một nhà hàng kiểu cổ điển phục vụ cho cánh lái xe tại trạm sạc. Năm 2021, công ty này đã đăng ký hẳn 3 nhãn hiệu mới cho dịch vụ nhà hàng, với tính toán mỗi trạm sạc điện là một khu vực dịch vụ, một thị trường riêng mà cánh tài xế bắt buộc phải dừng lại.

Trong khi đó, Australia tuy chưa phải là một thị trường lớn của xe điện, nhưng xu hướng xanh hóa ngày một gia tăng khiến Hiệp hội Các cửa hàng tiện lợi Úc (AACS ) với hơn 7.000 thành viên tin rằng đây là cơ hội thích hợp để bán thực phẩm, cà phê và các mặt hàng tạp hóa khác.

Báo cáo mới nhất từ AACS đã tiết lộ rằng vào năm 2022, lĩnh vực cửa hàng tiện lợi gắn liền với các trạm xăng đã lần đầu tiên vượt qua 10 tỷ USD doanh thu từ bán lẻ. Khi xu hướng sử dụng xe điện ngày một tăng, các nhà bán lẻ ngày càng coi việc cung cấp trạm sạc vừa là nhu cầu cạnh tranh vừa là nguồn doanh thu bổ sung.

Công ty Viva Energy, chủ sở hữu chuỗi trạm dịch vụ đổ xăng và trạm sạc ở Australia, cho biết trong tháng 9 họ đã hoàn tất các thủ tục mua lại mạng lưới cửa hàng tiện lợi của Coles, mang lại cho công ty này phạm vi bán lẻ lớn hơn và tăng cường “điểm chạm” với khách hàng trước xu hướng người dân chuyển đổi sang xe điện. Với thỏa thuận thành công này, họ sẽ có 710 cửa hàng Coles Express trong khuôn viên của mình và mang lại khoảng 1,14 tỷ USD doanh thu bán hàng tại cửa hàng tiện lợi...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 39-2023 phát hành ngày 25-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Trạm sạc: Điểm chạm mới của ngành bán lẻ - Ảnh 1