14:10 17/10/2022

Trang sức tái chế: kim cương, và bây giờ là vàng

Minh Nguyệt

Tái chế đã trở thành khái niệm quen thuộc của thế kỷ này và được xem là biểu trưng của sự bền vững. Mang lại vòng đời mới cho những món đồ đã cũ là cách các nhà thiết kế đã và đang nỗ lực nhằm hạn chế rác thải ra môi trường…

Ảnh: Prada
Ảnh: Prada

Đối với các doanh nghiệp kim hoàn, việc tái chế kim cương phù hợp với khái niệm phát triển của nền kinh tế. Lượng khí thải carbon của kim cương tái chế trong quá trình đánh bóng lại, cắt, thiết kế và đưa trở lại thị trường ít hơn so với khai thác kim cương tự nhiên hay thậm chí là so với sản xuất kim cương nhân tạo.

Tại thủ đô xứ sở sương mù, thương hiệu trang sức kim cương tái chế Lebrusan Studio sở hữu tệp khách hàng đa dạng và phong phú. Có những chàng trai độ khoảng ba mươi đang tìm kiếm chiếc nhẫn đính hôn độc đáo cho vị hôn thê, cũng có những “thợ săn” chuyên lùng sục những món quà mang giá trị đạo đức và thẩm mỹ cao cho những người thân yêu của họ, hay cũng có thể đó là những “nhà đầu tư” đi tìm “bảo vật gia truyền” độc bản… Sau cùng, tất cả họ đều mang kim cương đến nhà Lebrusan Studio để chờ tái chế.

Có thể nói, những thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và nhận thức của khách hàng đang thúc đẩy sự phát triển thị trường kim cương tái chế. Theo dự báo của McKinsey, năm 2025, 20 - 30% doanh thu từ mặt hàng trang sức cao cấp trên thị trường toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi khái niệm phát triển bền vững.

Không chỉ tái chế kim cương, công ty vàng, bạc, đá quý Pandora của Đan Mạch đang muốn trở thành nhà kim hoàn đầu tiên trên thế giới chỉ sử dụng vàng, bạc tái chế trong trang sức của mình trong vòng 5 năm tới. Cách tiếp cận sẽ giúp Pandora trở thành mục tiêu hấp dẫn cho những nhà đầu tư quan tâm đến môi trường. “Các kim loại khai thác từ nhiều thế kỷ trước sẽ trông như mới, không bao giờ bị xỉn màu hay phân hủy”, Giám đốc của Pandora, ông Alexander Lacik, cho biết.

Những cặp nhẫn cưới từ kim cương tái chế của Lebrusan Studio.
Những cặp nhẫn cưới từ kim cương tái chế của Lebrusan Studio.

Theo ông Lacik, quyết định trên là sự tiếp nối của những gì Pandora đã thực hiện trong vài năm qua bởi 71% đồ trang sức của Pandora hiện nay đã được những người thợ kim hoàn chế tác từ những đồng tiền cổ. Mục tiêu đến năm 2025, Pandora sẽ sử dụng 100% nguyên liệu vàng, bạc tái chế để làm trang sức. “Chúng tôi cần cải thiện chuỗi cung ứng của mình. Điều này sẽ làm giảm lượng khí thải CO2 và ô nhiễm môi trường”, ông Lacik khẳng định.

Theo Pandora, việc chuyển đổi sang kim loại quý tái chế sẽ làm giảm 70% lượng khí thải carbon đối với bạc và hơn 99% đối với vàng bởi lẽ vàng tái chế có lượng phát thải carbon thấp hơn 600 lần so với vàng được chiết xuất. Một lợi ích nữa của việc sử dụng vàng, bạc tái chế là giảm đáng kể lượng nước tiêu thụ do sự suy giảm trong các hoạt động khai thác kim loại quý. Cổ phiếu Pandora đã tăng khoảng 5% sau khi thông tin trên được đăng tải trên báo chí.

Mới đây nhất, bộ sưu tập trang sức từ vàng tái chế của Prada cũng đã ra mắt sau 14 tháng phát triển, với các thiết kế cho mọi giới tính, thể hiện nét thẩm mỹ tối giản nhưng đậm chất thương hiệu Prada. Điểm nổi bật ở dòng sản phẩm lần này là mặt dây chuyền trái tim và hình tam giác chunky hoàn chỉnh với biểu tượng của nhãn hiệu. Các chi tiết này được nhìn thấy trên dây chuyền và hoa dạng dây, trong khi những hình ảnh đầu tiên về bộ sưu tập cho thấy sức hút của một mẫu vòng tay bằng vàng.

Trang sức tái chế: kim cương, và bây giờ là vàng - Ảnh 1
Trang sức tái chế: kim cương, và bây giờ là vàng - Ảnh 2
 
Trang sức tái chế: kim cương, và bây giờ là vàng - Ảnh 3
Trang sức tái chế: kim cương, và bây giờ là vàng - Ảnh 4
 
Bộ sưu tập trang sức từ vàng tái chế của Prada mới ra mắt.
Bộ sưu tập trang sức từ vàng tái chế của Prada mới ra mắt.

Có thể thấy, tạo ra những món đồ vượt thời gian là bản chất của đồ trang sức và Prada đã chọn để đại diện cho ý tưởng về những đồ vật độc đáo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng cách tiếp cận bền vững. Tất cả vàng được Prada sử dụng trong bộ sưu tập mới của mình đều được chứng nhận tuân thủ các tiêu chuẩn chuỗi hành trình sản phẩm do Hội đồng Trang sức có trách nhiệm thiết lập, và kim cương có thể truy rõ nguồn gốc.

Timothy Iwata, người đứng đầu bộ phận trang sức của Prada cho biết: “Vàng tái chế của Prada chỉ được lấy từ các nguồn nguyên liệu tái chế đủ điều kiện, bao gồm vàng công nghiệp và các đồ vật quý sau qua sử dụng. Prada hợp tác độc quyền với các nhà cung cấp kim loại và đá quý đáp ứng các tiêu chuẩn công nghiệp cao nhất về nhân quyền, an toàn lao động, tác động môi trường và đạo đức kinh doanh”. Được biết, bộ sưu tập có giá dao động từ 1.500 Euro cho chiếc nhẫn đơn giản nhất đến 55.000 Euro cho món đồ đắt nhất.

Theo Hội đồng Vàng thế giới, lượng khí thải hàng năm từ thị trường vàng toàn cầu tương đương với khoảng 126 triệu tấn CO2, trong đó hơn 1/3 đến trực tiếp từ khai thác và luyện kim. Một trong những khí thải độc hại nhất là xyanua, có thể dẫn đến ô nhiễm nước ngầm. Đây là mối đe dọa thực sự đối với môi trường.

Thậm chí, theo New York Times, nhiều thương hiệu trang sức thời gian gần đây đang chuyển sang xu hướng “e-mining”, sử dụng vàng lấy từ linh kiện điện thoại, laptop, máy chơi game và card đồ họa để chế tác sản phẩm. Ví dụ tại xưởng chế tác của Walter, các nghệ nhân đã thu thập lượng vàng thu từ 17,5 chiếc điện thoại để tạo ra một chiếc nhẫn cưới. Cửa hàng có kế hoạch tiếp nhận điện thoại cũ để lấy vàng từ năm 2023.

Một số mẫu trang sức vàng lấy từ linh kiện điện thoại của NoWa.
Một số mẫu trang sức vàng lấy từ linh kiện điện thoại của NoWa.

NoWa, thương hiệu trang sức được thành lập tại Hà Lan vào năm 2019 cũng thu thập vàng từ linh kiện điện thoại để chế tác sản phẩm. Sản phẩm của NoWa bằng bạc và vàng tái chế có giá 50 - 795 USD. Thương hiệu Courbet tại Paris thì quyết định tái chế vàng và "nuôi" kim cương trong phòng thí nghiệm để chế tác trang sức. Courbet đã hợp tác với công ty quản lý rác thải Agosi của Đức để cung cấp kim loại thu từ rác điện tử.

"Rác điện tử là nguồn tài nguyên tuyệt vời, và đang có sẵn để sử dụng", Kim Parker, biên tập viên trang sức tại Harper's Bazaar UK và Telegraph Luxury cho biết. Từ nhu cầu của nhóm nhỏ người dùng, việc khai thác kim loại từ rác điện tử để chế tác trang sức trở thành xu hướng mới. Dù vậy, công nghệ và nguồn lực để thu thập vật liệu còn đang giới hạn.