10:19 28/05/2024

Tranh luận về đề xuất cho người lao động đóng bù tiền nợ bảo hiểm để hưởng lương hưu

Nhật Dương

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định người lao động ở các doanh nghiệp nợ bảo hiểm không còn khả năng đóng, được lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất để đủ điều kiện hưởng lương hưu, và các chế độ bảo hiểm khác. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội lo ngại trường hợp này người lao động có thể phải gánh trách nhiệm và khó khả thi để thực hiện...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã đề xuất bổ sung nhiều biện pháp mạnh để xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ phải đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng và nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Cùng với đó, bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng. Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

TÁCH BẠCH MỨC XỬ PHẠT GIỮA CHẬM ĐÓNG VÀ TRỐN ĐÓNG

Đại biểu Võ Mạnh Sơn, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, băn khoăn về mức tiền quy định giống nhau cho cả hai hành vi chậm đóng và trốn đóng như dự thảo luật, và đề nghị cần tách bạch mức tiền này.

Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng cần xác định làm rõ việc nộp số tiền này có đồng nghĩa với việc nộp phạt hành vi vi phạm hay không, để tránh trùng lặp với các biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Cần phân hóa các mức xử phạt vi phạm hành chính khác nhau giữa chậm đóng, trốn đóng do tính chất và mức độ vi phạm giữa chậm đóng và trốn đóng là khác nhau.

Theo đại biểu Phan Thái Bình, đoàn tỉnh Quảng Nam, quy định ngoài số tiền chậm đóng, trốn đóng thì đối tượng chậm đóng, trốn đóng cần nộp thêm số tiền bằng 0,03% theo ngày tính theo số tiền chậm đóng, trốn đóng, mức này còn thấp, chưa đủ tính răn đe.

Do vậy, đại biểu cho rằng để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần quy định ngoài số tiền chậm đóng, trốn đóng, phải tính thêm mức phạt tương đương lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định, để tránh tình trạng chiếm dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Về quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, đại biểu đồng tình cao với quy định tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định pháp luật.

Hiện nay trong thực tiễn, quy định này cũng có trong pháp luật hiện hành, nhưng tổ chức Công đoàn vẫn chưa phát huy được nghĩa vụ này. Vì quy trình, thủ tục, điều kiện cần và đủ để tổ chức Công đoàn đứng ra khởi kiện rất khó. Do đó, đại biểu đề nghị tháo gỡ vấn đề để tổ chức công đoàn phát huy được vai trò bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn tỉnh Đồng Tháp, cũng thừa nhận vấn đề trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội hiện đang rất nan giải, vì thế ông đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở 3 tháng một lần đối với các đối tượng chậm đóng, trốn đóng để kịp thời chấn chỉnh.

Về một số chính sách mới, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần có cân nhắc để quy định kỹ trong luật nội dung đối với những đối tượng mà do doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi nghỉ việc cần nghiên cứu có chế độ chính sách để bảo đảm quyền lợi.

QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN ĐƯỢC ƯU TIÊN

Theo các đại biểu, ở dự thảo luật lần này, các giải pháp đã thể hiện sự quyết liệt nhằm giải quyết vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng quyền lợi của người lao động cần được đặt lên trên hết.

Giải quyết chế độ về bảo hiểm cho người lao động. Ảnh: N.Dương.
Giải quyết chế độ về bảo hiểm cho người lao động. Ảnh: N.Dương.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, đoàn tỉnh Bình Định, thừa nhận thực tế hiện nay việc giải quyết nợ bảo hiểm, nợ lương của người lao động chưa được ưu tiên. Đại biểu cho biết căn cứ vào điều 54 của Luật Phá sản năm 2014, những chi phí mà doanh nghiệp cần ưu tiên thanh toán trước là chi phí quản tài viên doanh nghiệp quản lý, chi phí kiểm toán, chi phí thanh lý tài sản….

Việc thanh toán các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, và những quyền lợi khác theo hợp đồng lao động, hoặc thỏa ước lao động tập thể mà công ty đã kí kết, được sắp xếp thứ tự ưu tiên sau.

Theo đại biểu, đối với quá trình phát triển của mỗi doanh nghiệp, người lao động chính là tài sản, nguồn lực sản xuất, và lực lượng trực tiếp tạo ra giá trị thực tế đóng góp cho sự phát triển và tăng trưởng chung.

"Do đó, việc chăm lo, bảo vệ, tạo ra phúc lợi lâu dài cho người lao động, hay xây dựng được mối quan hệ lao động ổn định, bền vững, tiến bộ là yếu tố sống còn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững", đại biểu Thủy nhấn mạnh.

Về biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng đối với doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm từ các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm, và trách nhiệm của doanh nghiệp để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động vào xử lý hoặc chế tài đối với doanh nghiệp vi phạm.

Bên cạnh đó, dự thảo luật lần này còn bổ sung quy định cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động bỏ trốn, không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội.

Hướng đề xuất là ghi nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động, và đề ra phương thức giải quyết hưởng chế độ trong một số trường hợp cụ thể và với một số đối tượng đặc thù.

Về các nội dung liên quan đến cơ chế đặc thù, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng đây là quy trình thực hiện bảo hiểm xã hội đồng bộ về thứ tự phân chia tài sản tại Luật Phá sản năm 2014.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung theo hướng bảo vệ quyền lợi của người lao động trong bất cứ trường hợp nào cũng được xem xét là đối tượng ưu tiên hàng đầu, phải thực hiện các thủ tục pháp lý về phá sản và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với doanh nghiệp.

Cũng liên quan đến chính sách mới về cơ chế đặc thù, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng hơn, bởi người lao động được lựa chọn số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, trường hợp này người lao động có thể được xem là phải gánh trách nhiệm và thực hiện quy định này trong điều kiện khó khả thi.

“Thay vì giao cho người lao động thì việc này nên giao cho cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ hiệu quả hơn, giúp người lao động có khả năng thực hiện quyền của mình cũng như thụ hưởng các điều kiện đảm bảo về quyền lợi”, đại biểu Phúc góp ý.

 

Điều 41. Cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động

  1. Cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận tạm thời thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu của người lao động làm cơ sở thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng quy định tại Điều 37 và Điều 38 của Luật này mà tạm ngừng kinh doanh; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cưỡng chế về quản lý thuế; đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập; đang làm thủ tục phá sản; đã phá sản; không có người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
  2. Khi người sử dụng lao động quy định tại khoản 1 Điều này mà nộp số tiền quy định tại khoản 1 Điều 39 và khoản 1 Điều 40 thì cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động.
  3. Giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này:  a) Trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng thì giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng theo thời gian đã được xác nhận tại khoản 1 Điều này. Trường hợp tính cả thời gian chậm đóng, trốn đóng mới đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không bao gồm số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số ngày, số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho thời gian đã được xác nhận tại khoản 1 Điều này....