Triển lãm thư pháp "Truyền kinh chính học"
Với 100 tác phẩm của các nhà thư pháp trên cả nước, đây là lần đầu tiên Triển lãm Thư pháp chủ đề "Truyền kinh chính học" được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc tử Giám.
Triển lãm thư pháp chủ đề "Truyền kinh chính học" do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức, đã diễn ra tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11."Truyền kinh chính học" với ý nghĩa truyền thụ kinh điển (truyền kinh), được hiểu rộng ra là truyền tri thức, sách vở đến với mọi người và làm chính đại sự học (chính học) được hiểu làm cho sự học trở nên ngay chính. Vì vậy, chủ đề vừa có tinh thần hoài cổ, vừa có ý nghĩa hiện đại.Thư pháp xưa nay vốn là nghệ thuật của đường nét của các loại hình văn tự. Với đặc trưng sử dụng mực nho, kết hợp các yếu tố kỹ thuật điều khiển ngọn bút lông, từng đường từng nét con chữ tung hoành biến hóa sinh động, ly kỳ trên giấy tạo nên một chỉnh thể tác phẩm thư pháp hài hòa và mang những đặc điểm nghệ thuật rất riêng biệt. Thư pháp Hán Nôm ở Việt Nam được đánh giá là một trong bộ môn nghệ thuật có bề dày lịch sử với chiều sâu nội hàm. Chiều sâu ý nghĩa và đặc trưng đường nét rất riêng của chữ Hán Nôm, sự sáng tạo trong việc thể hiện các con chữ Latinh theo lối cổ, sự tài hoa của người thể hiện, tất cả những điều đó thống nhất tạo nên những tác phẩm thư pháp rất giàu cảm xúc và thẩm mỹ.
Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội
Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội
Trong đó ấn tượng là bộ thư pháp Tùng - Trúc của tác giả Trần Văn Sơn trích văn bia của Vũ Mộng Nguyên và thơ của Phùng Khắc Khoan; bộ Mai-Đào của tác giả Phạm Đình Ngọc trích thơ của Chu Văn An và Phùng Khắc Khoan; tác phẩm Tỉnh của tác giả Hồ Quang Anh viết thư pháp trên nền tranh là những chiếc lá sen khô, trích thơ của Nguyễn Thiên Túng hay tác phẩm Sắc không của tác giả Kiều Quốc Khánh, trích thơ của Trần Văn Trứ...Thư pháp gia Phạm Văn Ánh, Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, với góc độ là nhà thư pháp, ông hào hứng với chủ đề của triển lãm thư pháp bởi nó có ý nghĩa sâu về văn hóa, giáo dục. Trong trường hợp xã hội có sự thay đổi về hệ hình văn tự như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam thì bên cạnh thư pháp chữ Hán người ta có thể nghiệm thư pháp bằng chữ thời hiện đại đang sử dụng. Đấy là một cách thể nghiệm đưa thư pháp đến gần hơn với công chúng đương đại bên cạnh thư pháp truyền thống vẫn tiếp tục duy trì và phát triển.Triển lãm diễn ra đến hết ngày 23/12/2019 tại sân Thái Học, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám (số 58 Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội).
Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội