16:13 25/10/2022

Triển vọng kinh tế Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá tích cực

Vũ Phong

Bất chấp những thách thức toàn cầu, Việt Nam đang được đánh giá là một quốc gia nổi bật trong khu vực về tăng trưởng GDP...

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Sáng 25/10, ngân hàng HSBC tổ chức hội thảo “Triển vọng thị trường - Việt Nam, hiện tại, tương lai và triển vọng mai sau”. Tại hội thảo, các chuyên gia đều tỏ ra lạc quan về kinh tế Việt Nam hiện tại cũng như trong thời gian sắp tới.

Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, ông Tim Evans, hồi tưởng lại khoảng thời gian đại dịch Covid-19 trước đây và nhìn nhận về hiện tại: “Khoảng thời gian này của một năm về trước, đã có lúc tôi ở đường Đồng Khởi, một giao lộ chính của TP.HCM và nhớ những âm thanh náo nhiệt trước kia. Mới đây khi tôi đi từ Nội Bài về, tôi đã cảm nhận thấy sự náo nức như xưa, cảm giác thực sự rất hạnh phúc”.

Cũng theo ông Tim Evans, bất chấp những thách thức toàn cầu, Việt Nam đang rất nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu kinh tế. Nhờ vậy, HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lên 7,6%.

Thực tế, trong quý 3/2022, GDP của Việt Nam tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước, thời điểm kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do đợt bùng phát mạnh của Covid-19. GDP 9 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam tăng 8,83%, cao nhất trong 11 năm qua.

Ông Evans nhận định thế giới hiện nay đang đối mặt với lạm phát cơ bản. Kỳ vọng năm tới GDP sẽ tăng trưởng 6%. Việt Nam đang vững bước tiến lên, mới đây, S&P và Moody đã nâng hạng tín dụng. Việt nam hiện nay cũng chứng kiến sự tăng trưởng liên tục so với các quốc gia khác. Nhóm tầng lớp trung lưu tăng trưởng mạnh mẽ, đến năm 2045, Việt Nam sẽ tăng trưởng vào mức thu nhập cao. Đến năm 2030, Việt nam trở thành 1 trong 10 thị trường hàng hóa tiêu dùng hàng đầu thế giới, cao hơn Thái Lan, Đức và cả Anh.

"Có người từng nói, Mỹ là mảnh đất của cơ hội, Việt Nam là mảnh đất của những con người tạo ra cơ hội. Điều này đã được chứng thực. Bởi lẽ, đại dịch Covid-19 có thể coi là sự kiện “thiên nga đen” và Việt Nam đã vượt qua tốt sự kiện này. Đồng thời tôi tin rằng Việt Nam cũng sẽ sẽ giải quyết tốt các thách thức mới trong tương lai", ông Evan nhận định.

Đánh giá về những khó khăn hiện tại mà Việt Nam phải đối mặt, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) kiêm Chủ tịch Jardine Matheson Việt Nam, cho rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách Zero Covid. Trong khi đó, có tới 55% nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam đến từ Trung Quốc. Chính vì vậy, hoạt động sản xuất của Việt Nam gặp nhiều có hạn chế.

Ngoài ra, ông Alain Cany cũng nhấn mạnh đến việc niềm tin của nhà đầu tư khắp thế giới sụt giảm trong quý 3/2022. Chỉ số niềm tin doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam dù vẫn tương đối tích cực nhưng đã giảm xuống còn 62 điểm (thang điểm 100).

Đồng thời, kinh tế toàn cầu đã rẽ ra những hướng khác khó lường. Ngân hàng Thế giới mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống mức 2,8% cho năm 2022. 

Tuy nhiên, Chủ tịch EuroCham vẫn tỏ ra lạc quan. Trong bối cảnh thế giới vẫn còn bất ổn, triển vọng của Việt Nam khá tích cực và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 7,2%.

Ông Alain Cany phân tích, động lực tạo nên mức tăng trưởng này chính là lực lượng 56 triệu lao động trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ, giúp Việt Nam trở thành một trong những lực lượng lao động lớn nhất thế giới xét cả về số lượng tuyệt đối và tỷ lệ tương quan với dân số.

Với nguồn cung lao động chất lượng cao và giá cả phải chăng của Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Sản xuất phục vụ xuất khẩu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài là hai yếu tố đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tính đến năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam chiếm 19% GDP, tăng lên đáng kể so với mức dưới 1% của năm 2010. Trên thực tế, thị trường xuất khẩu của Việt Nam hiện đã vượt qua Malaysia và Thái Lan.

Minh chứng là một loạt các dự án FDI tên tuổi được triển khai ở Việt Nam. LEGO, một thành viên EuroCham, đang đầu tư 1 tỷ USD vào Bình Dương để xây dựng nhà máy. Trong tương lai, đây sẽ là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam và là nhà máy thứ hai ở châu Á của LEGO.

Pegatron, nhà cung cấp của Apple, hiện có kế hoạch đầu tư tới 1 tỷ USD vào Việt Nam. Foxconn đã cam kết rót 300 triệu USD để nâng cấp cơ sở sản xuất ở Bắc Giang. Samsung sẽ bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam từ năm 2023, còn Apple dự định sẽ sản xuất đồng hồ Apple Watch tại đây.

Để thu hút các nhà đầu tư, kích thích đầu tư tư nhân và đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế vững mạnh hơn, Chủ tịch EuroCham Alain Cany có một số khuyến nghị để hai khối công tư có thể phối hợp hiệu quả.

Thứ nhất, Việt Nam cần tạo điều kiện dễ dàng hơn cho hoạt động kinh doanh nhằm thu hút đầu tư, chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ trong một môi trường toàn cầu đầy cạnh tranh. Để làm được điều đó, Việt Nam cần hết sức ưu tiên cải thiện khuôn khổ pháp lý, thủ tục hành chính và ưu đãi cho doanh nghiệp.

Thứ hai, các nhà đầu tư cả hai khối công tư cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Bởi lẽ, với bờ biển dài hơn ba nghìn cây số, Việt Nam rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Lũ lụt và xâm nhập mặn do mực nước biển dâng cao đang tàn phá nhà cửa và sinh kế của người dân.