09:23 14/05/2024

Triệt để ngăn chặn triệt để tin nhắn, cuộc gọi rác và lừa đảo

Hồng Vinh

“Bộ Thông tin và Truyền thông đang hỗ trợ và phối hợp với Bộ Công an để triển khai cấp tên định danh cho các đầu mối thuộc ngành Công an để ngăn chặn triệt để các tin nhắn, cuộc gọi rác và lừa đảo…”

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chủ trì họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành thông tin và truyền thông, chiều 13/5.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chủ trì họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành thông tin và truyền thông, chiều 13/5.

Thông tin được ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết tại họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành thông tin và truyền thông trong tháng 4/2024 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới. Họp báo diễn ra chiều 13/5 do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Người phát ngôn của Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết cũng đã triển khai đồng bộ các phương án, giải pháp về chính sách, hành chính, kỹ thuật… nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, cuộc gọi giả mạo từ các số thuê bao điện thoại cố định.

Thời gian qua, một trong những giải pháp là triển khai là cấp tên định danh (voice brandname) cho các số điện thoại là các số hotline (đường dây nóng) được sử dụng để liên lạc trực tiếp với nhân dân của các cơ quan nhà nước như Tòa án, Công an, Viện Kiểm sát…

Từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Trường hợp phát hiện các vi phạm, Thanh tra Bộ sẽ tổ chức thanh tra xử lý vi phạm, đồng thời Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét đưa ra văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng xem xét có hình thức kỷ luật.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông cấp tên định danh cho các số hotline chăm sóc khách hàng của mình; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông cố định phối hợp thực hiện các biện pháp ngăn chặn các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ các số điện thoại cố định.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý cũng như chỉ đạo các nhà mạng áp dụng các công nghệ kỹ thuật, nhằm hạn chế tối đa việc phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ số thuê bao cố định.

RA MẮT PHẦN MỀM NHẬN DIỆN TỘI PHẠM LỪA ĐẢO

Trước tình hình lan rộng lừa đảo trên không gian mạng, tại buổi họp báo, Trung tá Vũ Trọng Nghĩa, đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) cho biết, dự kiến trong tháng 7 sẽ ra mắt phần mềm giúp người dân nhận diện tội phạm lừa đảo, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn, an ninh mạng cho người dân.

Bên cạnh đó, Cục A05 đã xây dựng trang fanpage có tên là 'Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao'. Thông qua Fanpage này, Cục sẽ tuyên truyền cho người dân về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi của các đối tượng lừa đảo.

Liên quan đến vấn đề lừa đảo trên không gian mạng, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, để làm sạch thông tin, dữ liệu, đồng thời đảm bảo công tác cảnh báo, xử lý về lừa đảo trực tuyến được thực hiện nhanh nhất, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngoài ra, nâng cao tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo, nhận biết về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các tổ chức tín dụng là việc làm cần thiết để cảnh báo giúp người dân phòng, chống được các hình thức lừa đảo trực tuyến đang ngày càng tinh vi.

Về tài sản ảo, Cục Phòng chống rửa tiền cho biết ở Việt Nam, đứng từ góc độ rủi ro rửa tiền, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp với rất nhiều bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền.

 

Những kết quả nổi bật của ngành thông tin và truyền thông trong tháng 4/2024:

  • Doanh thu toàn ngành ước đạt 1.365.758 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 32,7% so với kế hoạch năm (4.171.172 tỷ đồng).
  • Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 32.461 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 32% so với kế hoạch năm (101.593 tỷ đồng).
  • Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành các Nghị định: Nghị định số 47/2024/NĐ-CP ngày 9/5/2024 quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; Nghị định số 48/2024/NĐ-CP ngày 9/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định số 49/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 quy định về hoạt động thông tin cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được đảm bảo và bình đẳng, không phân biệt đối xử trong quyền tiếp cận thông tin.