Trình Quốc hội sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm
Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được trình lên Quốc hội sáng nay có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới...
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trước Quốc hội sáng 22/10, Bộ trưởng Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm là cần thiết, bởi Luật này ra đời 20 năm trước khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, đến nay đã bộc lộ một số bất cập, không còn đồng bộ với các sửa đổi của Bộ luật dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
"Một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro", Bộ trưởng nêu rõ.
Theo đó, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều,bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019. Trong đó có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới.
Cụ thể, đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô. Ngoài ra, sửa đổi nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP)
Bên cạnh đó, các loại hình bảo hiểm được chia thành các loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.
Đối với nội dung về hợp đồng bảo hiểm, dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên cách thiết kế của Luật cũ, bổ sung thêm mục về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp.
Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung quy định về phân loại hợp đồng, sửa đổi nội dung hợp đồng bảo hiểm, một số nội dung nhằm phù hợp với Bộ Luật dân sự và thực tiễn của thị trường như điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, trách nhiệm cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm, thời hạn trả tiền.
Đối với từng loại hợp đồng (nhân thọ và sức khỏe, tài sản và thiệt hại, trách nhiệm dân sự), dự thảo Luật sửa đổi bổ sung quy định phù hợp với thực tiễn và đặc tính của từng loại hợp đồng, bảo đảm tính thống nhất kết cấu của quy định về các loại hợp đồng.
Về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp, dự thảo Luật bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, người được bảo hiểm trong các công tác này và định hướng việc giải quyết tranh chấp.
Bên cạnh đó, về nội dung doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, dự thảo Luật mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Cùng với đó, dự thảo Luật cũng đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.
Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung các quy định mới nhằm nâng cao quản trị điều hành của doanh nghiệp như quy định mới về tổ chức hoạt động, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, thuê ngoài đáp ứng điều kiện; bổ sung quy định điều kiện trong trường hợp thuê ngoài.
Về việc công khai thông tin, dự thảoLuật bổ sung yêu cầu công khai thông tin một cách toàn diện, bao gồm thông tin định tính và định lượng theo định kỳ, thường xuyên, bất thường nhằm tăng cường tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh của thị trường.
Ngoài ra, về quản lý tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo hướng chuyển đổi sang quản lý vốn trên cơ sở rủi ro. Theo đó, dự thảo Luật yêu cầu doanh nghiệp phải xác định tỷ lệ an toàn vốn, quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các quy định về dự phòng nghiệp vụ, hoạt động đầu tư, quản lý tài sản, doanh thu - chi phí được sửa đổi tương ứng với mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro như yêu cầu sử dụng chuyên gia tính toán trong trích lập dự phòng, dự phòng phải kèm theo tài sản tương ứng và được đánh giá thường xuyên.
Dự luật cũng bãi bỏ quy định về danh mục đầu tư thay bằng quy định về tài sản không được đầu tư, bổ sung quy định đầu tư ra nước ngoài; doanh nghiệp phải tách, ghi nhận và theo dõi riêng đối với nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm thu được của bên mua bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong và ngoài nước.
Ngoài ra, bổ sung quy định đối với kiểm toán độc lập, phạm vi kiểm toán độc lập và trách nhiệm cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính.
Về cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng gộp quy định về nội dung quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Đối với cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước, dự thảo Luật bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Cùng với đó, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung nội dung về đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, nhằm phù hợp với thực tiễn triển khai của thị trường trong thời gian qua, bao gồm sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm, nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, của đại lý bảo hiểm; những điều đại lý bảo hiểm không được làm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm.