Đề xuất 7 nhóm chính sách sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm
Sáng ngày 13/9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)...
Mở đầu phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM TỒN TẠI NHIỀU BẤT CẬP, CẦN SỬA ĐỔI
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng.
Đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự.
Ngoài ra, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như: thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập; sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ...
Cùng với đó, một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nêu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm như Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”...
Với những lý do trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là cần thiết.
ĐỀ XUẤT 7 NHÓM CHÍNH SÁCH SỬA ĐỔI LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với 8 chương, 156 điều với 7 nhóm chính sách.
Về quy định chung, các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: Đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; Sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; Nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP).
Một nội dung nữa được đề xuất sửa đổi là phân các loại hình bảo hiểm thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.
Về Hợp đồng bảo hiểm: Nội dung này cơ bản giữ nguyên cách thiết kế của Luật cũ, bổ sung thêm mục về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp.
Nội dung về hợp đồng bảo hiểm được hoàn thiện gồm: Các quy định chung; Đối với từng loại hợp đồng (nhân thọ và sức khỏe, tài sản và thiệt hại, trách nhiệm dân sự); Về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp;...
Về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm: Dự thảo Luật mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.
Về tổ chức hoạt động, bổ sung các quy định mới nhằm nâng cao quản trị điều hành của doanh nghiệp như quy định mới về tổ chức hoạt động, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Ngoài ra, đề xuất sửa đổi theo hướng cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, thuê ngoài đáp ứng điều kiện; bổ sung quy định điều kiện trong trường hợp thuê ngoài.
Bên cạnh đó, bổ sung nội dung, nguyên tắc khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên môi trường mạng...
Về bảo hiểm vi mô: Nội dung này được quy định mới bao gồm nội dung về đặc trưng bảo hiểm vi mô và các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô (Doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô).
Về đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm: Các nội dung sửa đổi bổ sung nhằm phù hợp với thực tiễn triển khai của thị trường trong thời gian qua, bao gồm sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm, nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, của đại lý bảo hiểm; những điều đại lý bảo hiểm không được làm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm.
Về quản lý tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm: Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo hướng chuyển đổi sang quản lý vốn trên cơ sở rủi ro.
Theo đó, dự thảo Luật yêu cầu doanh nghiệp phải xác định tỷ lệ an toàn vốn, quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp.
Các quy định về dự phòng nghiệp vụ, hoạt động đầu tư, quản lý tài sản, doanh thu - chi phí được sửa đổi tương ứng với mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro như yêu cầu sử dụng chuyên gia tính toán trong trích lập dự phòng, dự phòng phải kèm theo tài sản tương ứng và được đánh giá thường xuyên; bãi bỏ quy định về danh mục đầu tư thay bằng quy định về tài sản không được đầu tư...
Bên cạnh đó, bổ sung quy định đối với kiểm toán độc lập, phạm vi kiểm toán độc lập và trách nhiệm cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính.
Về quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm: Sửa đổi theo hướng gộp quy định về nội dung quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Đối với cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước, bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm như các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.
Tán thành cao việc sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trọng tâm trong dự thảo Luật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cơ quan soạn thảo cũng đã tiến hành tổng kết, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài đối chiếu yêu cầu phát triển trong tình hình mới, đề xuất bổ sung nhiều nội dung đáp ứng yêu cầu điều chỉnh toàn diện, tổng thể quan hệ xã hội trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đến nay hồ sơ dự án luật đã tương đối đầy đủ, dự án luật được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Về cơ bản, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã có sự triển khai, chuẩn bị tốt các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát, tiếp thu ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị đảm bảo chất lượng, tính khả thi, hiệu quả của dự án luật khi trình Quốc hội.
Dự kiến, dự án luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới.