12:57 20/04/2022

Trong khi nhà đầu tư nội tháo chạy, khối ngoại bất ngờ mua ròng 3.500 tỷ đồng

Kiều Linh

Xu hướng mua ròng của khối ngoại đã bắt đầu từ nửa cuối tháng 3 cho đến thời điểm hiện tại. Trong vòng một tháng đổ lại, khối ngoại mua ròng 3.494 tỷ đồng chứng khoán Việt Nam...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Lệnh tháo chạy ồ ạt của nhà đầu tư cá nhân trong nước trước những lo ngại bất ổn của thị trường khiến chỉ số Vn-Index có lúc đâm thủng mốc 1.400 điểm trong phiên sáng 20/4. Vn-Index giữa giờ giao dịch buổi sáng lùi về 1.436 điểm, với ít nhất 700 mã đỏ rực, 80 mã quét sàn. Đây là phiên giảm thứ 11 liên tiếp của thị trường, vẫn chưa có bất cứ một tín hiệu nào để kỳ vọng cú quay xe bất ngờ vì ngoài thị trường dồn dập tin đồn xấu, dù cần kiểm chứng nhưng vẫn tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư.

KHỐI NGOẠI BẤT NGỜ MUA RÒNG 3.500 TỶ ĐỒNG

Tuy nhiên, thống kê cho thấy, trái ngược với tâm lý nhà đầu tư cá nhân trong nước, khối ngoại và tổ chức trong nước gồm cả tự doanh lại mạnh tay giải ngân trong những phiên "tuyết lở". Trước đó, khối ngoại có xu hướng bán ròng ác liệt kể từ suốt năm 2021 đến nay.

Phiên giao dịch sáng nay, khối ngoại mua ròng 245 tỷ đồng, tập trung gom nhiều nhất STB, VIC, DPM, SSI, GEX, chứng chỉ quỹ FUEVFVND, PLX, HCM, VCG, VND. Ở chiều ngược lại, xả DGC, CII, VHM, PHR với lượng không đáng kể.

Tính trong vòng 5 phiên đổ lại đây, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1.667 tỷ đồng trên sàn chứng khoán Việt Nam. Top những cổ phiếu được khối ngoại mua nhiều nhất gồm MWG, GEX, DPM, VIC, NLV. Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán HPG, VND, SSI, VHM, HCM, VCB. 

Xét theo nhóm vốn hoá, khối ngoại tập trung mua nhiều nhất ở nhóm VN30 với giá trị mua ròng 700 tỷ trong vòng 5 phiên vừa qua. VnMidcap cũng được khối ngoại mua ròng 700 tỷ trong khi đó nhóm VnSmall được mua ròng ít hơn.

Trước đó, năm 2021, khối ngoại bán ròng 60.000 tỷ đồng chứng khoán Việt Nam. 3 tháng đầu năm 2022, khối ngoại bán ròng tiếp hơn 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, xu hướng mua ròng của khối ngoại đã bắt đầu từ nửa cuối tháng 3 cho đến thời điểm hiện tại. Trong vòng một tháng đổ lại, khối ngoại mua ròng 3.494 tỷ đồng chứng khoán Việt Nam. Như vậy, đây là lần đầu tiên khối ngoại mua ròng mạnh mẽ như vậy trong suốt 2 năm trở lại đây, mở ra tín hiệu tốt cho dòng vốn này đổ vào thị trường trong năm 2022.

Khối ngoại mua ròng trong vòng 1 tháng đổ lại. 
Khối ngoại mua ròng trong vòng 1 tháng đổ lại. 


Trước đó, cũng đã có nhiều dự báo khối ngoại sẽ quay lại mua ròng cổ phiếu Việt Nam trong năm 2022. Trong báo cáo thị trường vốn, SSI Research kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại Việt Nam với sự phân kỳ của chính sách tiền tệ/tài khóa của Việt Nam và thế giới và sự ổn định của tỷ giá. Đồng VND sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh của mình, trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực sẽ chịu áp lực mất giá do USD tăng giá (Fed tăng lãi suất).

Đối với nhà đầu tư tổ chức trong nước gồm tự doanh, phiên giao dịch hôm qua nhóm này cũng "quay xe" mua ròng 300 tỷ trên sàn chứng khoán HoSE. Top cổ phiếu được tổ chức trong nước gồm tự doanh gom mạnh nhất gồm HPG, VIC, CII, TCB, MSN, NVL, ACB. Ở chiều ngược lại, tổ chức trong nước bán ra DIG, DXG, GEX, KBC, DGC. Tuy vậy, tính gộp 5 phiên giao dịch qua, nhóm này vẫn bán ròng 623 tỷ đồng.

NHÀ ĐẦU TƯ CÁ NHÂN KHÔNG NÊN QUÁ HOANG MANG

Tâm lý hoảng loạn bao trùm toàn thị trường. Bình luận về chu kỳ này, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập của FIDT cho rằng đây là giai đoạn tái cấu trúc tính pháp lý của thị trường, lần đầu tiên xuất hiện trên chứng khoán Việt Nam. Ở các thị trường phát triển như châu Âu hay Mỹ điều này đã diễn ra từ thời điểm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hay Thị trường như Thái Lan, Hàn Quốc quá trình này diễn ra vào lúc cuối năm 1990. 

Bước vào giai đoạn này tâm lý nhà đầu tư hoang mang vì chắc chắn ảnh hưởng đến yếu nhân thị trường, ảnh hưởng thu nhập và dòng tiền thị trường, thậm chí đâu đó có hình tượng "ném chuột vỡ bình".

Nhìn lại quá khứ cho thấy, giai đoạn 2012 - 2013, thị trường chứng khoán Việt Nam sụp đổ nhưng có xu hướng tăng trưởng rất tốt 5 năm sau đó. Vn-Index cuối năm 2013 khoảng 350 điểm nhưng đến thời điểm 2017 chạm 1.200, tăng gấp 4 lần. 

"Cũng không thể nói thị trường sẽ nhanh chóng hồi phục vì đang diễn ra cuộc thanh lọc, dọp dẹp khẽ hở mang tính thao túng thị trường, cố ý làm trái quy định thị trường chứng khoán nhưng dưới góc độ của nhà tư vấn, theo tôi nhà đầu tư phải biết chấp nhận thiệt hại, coi như năm 2021 kiếm được thì năm nay trả lại chút xíu, không nên quá hoang mang. 

Nhà đầu tư cũng nên rà soát lại danh mục, rời điểm kỳ vọng đầu tư, ví dụ trước kỳ vọng 6 tháng thì kỳ vọng 1,5 năm, giảm margin, bổ sung nguồn tiền. Có thể tái cơ cấu danh mục đi theo hướng mã nói không với trái phiếu, trong cơ cấu nguồn vốn không nợ trái phiếu...Đây là cách giải quyết, thiên về tính phòng thủ, lui binh một đợt, kỳ vọng thị trường phục hồi ngay 1.500-1.600 là khó khăn do đó vẫn nên chờ đợi cú hồi", ông Tuấn khuyến nghị.