“Trong ngành, nhiều người biết Khaisilk đặt hàng tại Trung Quốc”
Chuyện kể từ một doanh nhân trong ngành lụa, sau câu chuyện "lụa Trung Quốc mác Việt" của Khaisilk
Ông Hoàng Khải, người đứng đầu Tập đoàn Khaisilk, vừa thừa nhận trên báo chí việc doanh nghiệp của mình đã bán sản phẩm lụa Trung Quốc đóng mác Việt trong nhiều năm.
Vị doanh nhân này lý giải, từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, khi ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái, Khaisilk không thể tìm đủ nguồn hàng phù hợp với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng ở các làng nghề trong nước.
Cộng với việc nhu cầu thị hiếu của thị trường luôn luôn thay đổi và đòi hỏi cao hơn, nên ông đã sang Trung Quốc tìm nguồn hàng nhập về.
"Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa", ông Khải giãi bày.
Lời thừa nhận này của ông Khải đã khiến nhiều người bày tỏ phẫn nộ, vì bị lợi dụng niềm tin vào thương hiệu Việt suốt hàng chục năm qua.
Tuy nhiên, từ góc độ khác, một doanh nhân cùng ngành với Khaisilk cho rằng, phần lớn "dân trong nghề" khi nhìn vào nhiều mặt hàng của Khaisilk đều biết đó không phải hàng Việt.
Bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc Công ty Hanhsilk (Kiến Xương, Thái Bình) nói, trong ngành lụa nhiều người cũng biết Khaisilk đặt hàng tại Trung Quốc.
Bà mô tả, hàng lụa Trung Quốc rất khác với hàng lụa Việt Nam, nhìn vào mẫu mã sản phẩm có thể phân biệt được ngay. Hàng Trung Quốc quá bóng và mượt mà, do công nghệ dệt phát triển hơn mà Việt Nam chưa theo kịp.
Trong khi đó, sản phẩm lụa Việt Nam khá đẹp nhưng dễ nhăn, hoa văn họa tiết không sắc sảo như lụa Trung Quốc.
Cho dù, đặc điểm này cũng được xem là "hồn" sản phẩm, là đặc trưng của hàng lụa Việt.
"Làm nghề, nhìn qua ai cũng biết hàng Trung Quốc, nhưng chúng tôi không quan tâm lắm. Mỗi người có một cách làm, và hãy để thị trường đánh giá. Nhưng tôi cam đoan là rất lâu nữa hàng lụa Việt Nam mới đạt được tới trình độ tạo nên sản phẩm bắt mắt như hàng lụa Trung Quốc", bà Hạnh nói.
Người phụ nữ đứng đầu Hanhsilk nói thêm: "Bản thân tôi rất khâm phục anh Hoàng Khải vì cách làm thương hiệu tốt và tìm tòi về các mặt hàng lụa rất kỹ. Đặc biệt, lợi thế của anh ấy là biết rất nhiều thứ tiếng, quan hệ rất rộng để có thể phát triển mẫu mã sản phẩm phù hợp, vì họ hiểu khách hàng".
"Trong khi đó, các cơ sở thủ công làm lụa ở Việt Nam vẫn đang dò dẫm vào thị trường, nên chưa thể hình dung được làm điều gì thực sự tốt nhất".
Song, cũng theo vị doanh nhân này, nếu có việc lấy hàng Trung Quốc về cắt mác để "phù phép" thành hàng Việt thì "hơi khó chấp nhận".
Nói thêm về lụa Việt Nam, bà Hạnh cho hay, Hiệp hội Lụa Việt Nam cũng nhìn nhận một thực tế rằng các sản phẩm lụa "made in Vietnam" hiện rất yếu trong khâu thiết kế, một phần do cũng không có nhiều chi phí để thiết kế một cách bài bản.
"Tôi đi rất nhiều nước, nhưng chưa thấy ai nhắc về lụa Việt Nam, họ chỉ nói lụa Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia… Quốc tế biết nhiều về anh Khải, nhưng điều lạ là họ lại không biết nhiều về lụa Việt Nam. Tôi mong muốn thời gian tới, hàng lụa Việt Nam sẽ được biết đến nhiều hơn trên thế giới", bà Hạnh nói.