Trụ lớn “làm loạn”, cổ phiếu ngân hàng “ra tay”
Đà tăng tích cực sáng nay đột ngột đảo chiều chóng mặt khi một số cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sụp đổ cực nhanh. VHM, VIC, GAS, GVR, thậm chí cả VCB đã “làm loạn” trong nửa cuối phiên, đẩy VN-Index vào một nhịp rơi tới trên 1,5% trong gần 1 giờ đồng hồ...
Đà tăng tích cực sáng nay đột ngột đảo chiều chóng mặt khi một số cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sụp đổ cực nhanh. VHM, VIC, GAS, GVR, thậm chí cả VCB đã “làm loạn” trong nửa cuối phiên, đẩy VN-Index vào một nhịp rơi tới trên 1,5% trong gần 1 giờ đồng hồ.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã duy trì đà tăng giá khá tốt bình ổn được nhịp giảm này, nhưng hiệu quả không đủ. VCB cũng nằm trong nhóm gây áp lực lên chỉ số chủ yếu do dao động. Phần lớn các mã ngân hàng khác vẫn tăng giá.
Ở thời điểm VN-Index tăng đạt đỉnh lúc 10h, trên tham chiếu 0,77%, VCB cũng tăng 0,92%. Tuy nhiên ngay sau đó VCB lao dốc gần như rơi tự do. Giá từ 98.800 đồng xuống 97.500 đồng, tuy chỉ giảm 0,41% so với tham chiếu, nhưng biến động trong phiên lên tới -1,32%, do đó ảnh hưởng rất lớn tới VN-Index.
Không chỉ VCB, nhóm cổ phiếu trụ khác cũng giảm cực mạnh. VHM giảm từ khá sớm, đến khoảng 10h khi VN-Index đạt đỉnh, giá đã thấp hơn tham chiếu 0,47%. Nhịp giảm từ 10h tới lúc VN-Index chạm đáy lúc gần 11h của VHM tới -1,42%. GAS thậm chí còn thảm hơn, giảm trong thời gian này khoảng 2,5%. VIC bốc hơi hơn 1%, MSN giảm khoảng 1,6%, GVR bốc hơi hơn 4%...
Nhịp giảm tổng hợp của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã tạo sức ép cực lớn lên VN-Index, dù vẫn có một số mã lớn khác tăng giá. Tiêu biểu sáng nay là nhóm cổ phiếu ngân hàng, đột ngột xanh đồng loạt, nhưng đáng tiếc là sức mạnh còn kém.
TCB tăng tốt nhất trong nhóm ngân hàng và cũng là cổ phiếu trụ giá ổn nhất. Cổ phiếu này trùng khớp với nhịp tăng của VN-Index nửa đầu phiên. Khi VN-Index đạt đỉnh, TCB cũng đạt đỉnh và tăng 4,26% so với tham chiếu. Nhịp VN-Index lao dốc, TCB cũng trượt giảm khoảng 1,8% nhưng chủ đạo vẫn tăng mạnh và phục hồi sớm hơn các mã khác.
STB tăng 2,63%, BID tăng 1,07%, HDB tăng 2,54%, VPB tăng 0,67%, MBB tăng 1,41%, CTG tăng 0,77%, ACB tăng 1,21% là những mã ngân hàng blue-chips khá tốt đến cuối phiên sáng.
Rổ VN30 gần như giảm toàn bộ ở nhịp lao dốc đến 11h, chỉ có TCB, ACB, BID là còn xanh. VN30-Index cũng lao dốc cùng nhịp với VN-Index khoảng 1,1% từ đỉnh, nhún xuống dưới tham chiếu 0,13% trước khi phục hồi lại. Nhóm cổ phiếu ngân hàng có vai trò rất lớn trong chỉ số này, là nguyên nhân giúp VN30-Index tăng 0,15%, trong khi VN-Index còn giảm 0,3%. Độ rộng cuối phiên của rổ này còn 11 mã tăng/17 mã giảm.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tổn thương nặng nhất trong biến động dữ dội sáng nay. Vnsmallcap giảm sâu nhất 2,44% so với tham chiếu và chốt phiên sáng vẫn giảm 1,18%. Độ rộng chỉ còn 45 mã tăng/137 mã giảm. Midcap cũng đang giảm 0,36% với 12 mã tăng/53 mã giảm. Do hai rổ này giảm nhiều, nên độ rộng chung của HoSE chỉ là 136 mã tăng/313 mã giảm, khoảng 190 mã đang giảm trên 1%.
Dòng tiền hôm nay xuất hiện đáng chú ý ở rổ VN30 khi giá trị khớp lệnh tăng vọt 82% so với sáng hôm qua, đạt 8.346 tỷ đồng. Nguyên nhân là giao dịch cực lớn ở TCB với gần 1.337,6 tỷ đồng trong khi sáng qua chỉ khớp 418,7 tỷ đồng, nghĩa là gấp hơn 3 lần. HPG sáng nay cũng giao dịch tăng gấp rưỡi sáng hôm qua, đạt 992,4 tỷ. STB cũng gấp 2,4 lần thanh khoản, đạt 630 tỷ đồng... Nói chung cổ phiếu ngân hàng đồng loạt thu hút dòng tiền mạnh, đẩy giao dịch chung của rổ VN30 lên và đây cũng là nhóm duy nhất tăng giá.
Mặc dù rung lắc dữ dội nhưng thị trường cũng không rơi vào trạng thái hoảng loạn. Các cổ phiếu ngân hàng ít nhất cũng tạo được niềm tin rằng vẫn còn trụ giữ nhịp. Hầu hết các cổ phiếu đều đã phục hồi lại từ đáy, dù mức độ rất khác nhau. Nhóm VN30 phục hồi nhanh nhất và rõ nhất, thậm chí chỉ số còn tăng. Điều này tạo hi vọng những biến động sẽ không còn quá mạnh trong phiên chiều.
Thanh khoản cực lớn sáng nay cho thấy dòng tiền vẫn còn rất mạnh. Hai sàn khớp lệnh đạt con số kỷ lục chưa từng thấy với 26.604 tỷ đồng, tăng 49% so với sáng hôm qua. Nhà đầu tư nước ngoài gần như đứng bên lề thanh khoản này, chỉ giải ngân trên HoSE có 682 tỷ đồng và bán ra 709 tỷ đồng. Mức bán ròng 27 tỷ là rất nhẹ. HPG được mua ròng gần 86 tỷ, GEX hơn 46 tỷ, SBT, CTG, BID trên dưới 20 tỷ ròng. Phía bán chỉ có HSG, VNM, MSN, VIC là trên 20 tỷ đồng.