18:11 13/04/2016

Trụ sở công ty luật vụ Panama Papers bị lục soát

Diệp Vũ

Mossack Fonseca, công ty luật có trụ sở tại Panama, là tâm điểm trong vụ rò rỉ tài liệu mang tên “Hồ sơ Panama”

Lực lượng cảnh sát và xe tuần tra đã vây quanh tòa nhà trụ sở của Mossack Fonseca vào buổi chiều ngày 12/4 theo giờ địa phương - Ảnh: Reuters.<br>
Lực lượng cảnh sát và xe tuần tra đã vây quanh tòa nhà trụ sở của Mossack Fonseca vào buổi chiều ngày 12/4 theo giờ địa phương - Ảnh: Reuters.<br>
Cơ quan công tố Panama ngày 12/4 đã tiến hành lục soát trụ sở của Mossack Fonseca để tìm chứng cứ về các hoạt động phi pháp, hãng tin Reuters dẫn một tuyên bố của nhà chức trách cho biết.

Mossack Fonseca, công ty luật có trụ sở tại Panama, là tâm điểm trong vụ rò rỉ tài liệu mang tên “Hồ sơ Panama” (“Panama Papers”) có liên quan tới hàng chục lãnh đạo quốc gia và mở ra cánh cửa thế giới của các công ty bình phong (shell company/ offshore company) được lập nên với mục đích che giấu tài sản.

Trong một tuyên bố trước đó, cảnh sát quốc gia Panama cho biết đang tìm kiếm những tài liệu “chứng minh việc công ty này được sử dụng cho những hoạt động phi pháp”.

Mossack Fonseca đã bị cáo buộc tội trốn thuế và gian lận.

Lực lượng cảnh sát và xe tuần tra đã vây quanh tòa nhà trụ sở của Mossack Fonseca vào buổi chiều ngày 12/4 theo giờ địa phương dưới sự chỉ huy của công tố viên Javier Caravallo, người phụ trách vấn đề tội phạm có tổ chức và rửa tiền.

Mossack Fonseca, công ty chuyên mở các công ty bình phong ở nước ngoài cho khách hàng, hiện chưa đưa ra phản hồi nào về vụ lục soát này.

Trước đó, ông Ramon Fonseca, một thành viên sáng lập công ty, tuyên bố công ty không hề phạm pháp, không hề hủy tài liệu, và tất cả các hoạt động của công ty là hợp pháp.

Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu tiến hành điều tra đối các nghi vấn che giấu tài sản nhằm mục đích trốn thuế và rửa tiền đối với các nhân vật thuộc giới nhà giàu và quyền lực có liên quan tới Panama Papers.

Số tài liệu bị rò rỉ trong vụ này lên tới 11,5 triệu, trải rộng suốt 4 thập kỷ, cho thấy hoạt động dàn xếp tài chính cho nhiều nhân vật “có máu mặt” như bạn bè của Tổng thống Nga Vladimir Putin, họ hàng của Thủ tướng Anh và Pakistan, người thân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Ukraine...

Thủ tướng Iceland mới đây đã từ chức vì bị Panama Papers cho thấy có tài sản ở nước ngoài.