Trừ Warren Buffett, top 10 người giàu nhất thế giới đều mất tiền trong tháng 1
Các tỷ phú giàu nhất thế giới chứng kiến giá trị tài sản ròng của họ giảm mạnh trong những tuần đầu tiên của năm 2022, ngoại trừ Warren Buffett...
Đợt giảm mạnh gần đây của cổ phiếu công nghệ đã kéo theo khối tài sản của người giàu nhất hành tinh, CEO Elon Musk của hãng xe điện Tesla. Theo dữ liệu từ xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index, ông Musk đã mất 54 tỷ USD trong tháng 1 này.
Người giàu thứ nhì là CEO Jeff Bezos của hãng thương mại điện tử Amazon mất 27,8 tỷ USD. Hai nhà đồng sáng lập công cụ tìm kiếm trực tuyến Google là Larry Page và Sergei Brin mất hơn 12 tỷ USD mỗi người. Khối tài sản ròng của nhà sáng lập Facebook, tỷ phú Mark Zuckerberg, cũng “bốc hơi” 15,2 tỷ USD.
Trong top 10 người giàu nhất thế giới, nhân vật duy nhất chứng kiến tài sản ròng tăng từ đầu năm đến nay là nhà đầu tư huyền thoại Buffett, người đã “bỏ túi” khoảng 2,4 tỷ USD, nâng khối tài sản ròng cá nhân lên 111 tỷ USD. Trong tuần qua, vị Chủ tịch kiêm CEO của Berkshire Hathaway đã vượt qua Zuckerberg để giành vị trí thứ 6 trong danh sách.
Đây là cuộc hoán đổi vị trí phải mất 4 năm mới đạt được: lần gần đây nhất Zuckerberg vượt qua Buffett trong xếp hạng giàu là vào năm 2018.
“Thập kỷ nối tiếp thập kỷ, ‘nhà tiên tri xứ Omaha’ tiếp tục ăn nên làm ra”, nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities nói với CNBC. “Đó là lý do vì sao Buffett sẽ lưu danh trong sử sách. Ông ấy có một niềm tin vững chắc vào đầu tư giá trị”.
Trường phái đầu tư của Buffett là lựa chọn những cổ phiếu được xem là có mức giá thấp hơn so với giá trị thực. Và không giống như các CEO khác trong top 10 người giàu nhất thế giới – những người có giá trị tài sản ròng phụ thuộc chủ yếu vào diễn biến giá cổ phiếu công ty công nghệ mà họ sáng lập - Buffett đứng đầu Berkshire Hathaway, một công ty nắm trong tay một danh mục đa dạng, giúp ông có thể trụ vững trong những đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ.
Buffett từ lâu khuyến nghị nhà đầu tư rót tiền vào các quỹ chỉ số (index fund), những quỹ nắm tất cả các cổ phiếu trong một chỉ số chứng khoán, nhờ đó đa dạng hoá một cách tự động. Chẳng hạn, chỉ số S&P 500 bao gồm nhiều cái tên lớn như Apple, Coca-Cola và Google.
Năm 2017, Buffett nói với CNBC rằng đối với những người muốn tạo dựng một khoản tiết kiệm cho lúc về hưu, các quỹ chỉ số “luôn có ý nghĩa thực tiễn”. “Mua đều một quỹ chỉ số S&P 500 có chi phí thấp. Mua cả khi tăng và khi giảm, nhất là những lúc giảm”, ông đưa ra lời khuyên.
Nhưng dù cổ phiếu công nghệ bị bán tháo, khối tài sản 216 tỷ USD vẫn đủ để giữ cho Musk vị trí người giàu nhất thế giới. Với khối tài sản này, Musk giàu gần gấp đôi Buffett.
Ngoài ra, Buffett có thể sẽ không ở lâu trong top 10. Năm ngoái, nhà đầu tư huyền thoại tiết lộ rằng ông mới đi được một nửa chặng đường thực hiện lời hứa hiến tặng hầu hết tài sản cho từ thiện trong lúc còn sống. Điều đó có nghĩa là Buffett sẽ tiếp tục cho đi nhiều tài sản trong thời gian tới.