09:29 03/01/2020

Trung Quốc bơm 115 tỷ USD, chứng khoán thế giới cao nhất mọi thời đại

An Huy

Động thái của Trung Quốc bơm gần 115 tỷ USD vào nền kinh tế nước này đã giúp thị trường chứng khoán toàn cầu đạt mức cao chưa từng thấy

Trung Quốc đang nới lỏng chính sách tiền tệ một cách chậm rãi để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Ảnh: Reuters.
Trung Quốc đang nới lỏng chính sách tiền tệ một cách chậm rãi để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Ảnh: Reuters.

Trung Quốc bơm gần 115 tỷ USD vào nền kinh tế nước này đã giúp thị trường chứng khoán toàn cầu đạt mức cao chưa từng thấy trong lịch sử trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, phiên đầu tiên của năm 2020.

Hôm thứ Tư, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố cắt giảm 0,5 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), đưa mức dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng lớn về mức 12,5%, có hiệu lực từ ngày 6/1. Động thái này giải phóng lượng vốn khoản 800 tỷ Nhân dân tệ, tương đương xấp xỉ 115 tỷ USD, vào nền kinh tế đang giảm tốc.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh các dữ liệu gần đây cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bắt đầu có sự cải thiện và Mỹ-Trung chuẩn bị ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Tuy nhiên, thời điểm này còn quá sớm để khẳng định liệu nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đã đạt được sự khởi sắc bền vững hay chưa, hãng tin Reuters dẫn ý kiến chuyên gia cho hay.

Giới thạo tin tiết lộ với Reuters rằng Trung Quốc có dự định cắt giảm mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) về quanh ngưỡng 6% trong năm nay và sẽ dựa vào tăng đầu tư cơ sở hạ tầng để ngăn nền kinh tế sụt tốc mạnh. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm từ 6,8% trong 2017 xuống còn 6% trong quý 3/2019, mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ.

Từ đầu 2018 đến nay, PBoC đã giảm RRR 8 lần. Mấy tháng gần đây, PBoC bắt đầu giảm nhỏ giọt lãi suất cho vay chính sách để giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí vay vốn. Giới chuyên gia dự báo PBoC sẽ tiếp tục giảm RRR thêm 2-3 lần trong năm nay và giảm thêm lãi suất cho vay, nhưng sẽ không sử dụng đến các biện pháp bơm tiền quy mô lớn vào nền kinh tế bởi mức nợ ở Trung Quốc hiện đã rất cao và đặt ra nhiều rủi ro cho hệ thống tài chính.

Tin Trung Quốc giảm RRR giúp giới đầu tư chứng khoán toàn cầu hứng khởi trong phiên giao dịch ngày thứ Năm. Chỉ số MSCI All Country Index của chứng khoán thế giới tăng 0,8%, đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Chỉ số European Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu tăng 0,93%, đánh dấu phiên đầu tiên của năm mới tốt nhất kể từ 2013. Tại Phố Wall, cả ba chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq cùng lập kỷ lục mới.

Các thị trường chứng khoán mới nổi tăng 1,2%. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 0,94%; chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc tăng 1,4%, đạt mức cao nhất từ tháng 2/2018; chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 1,25%.

Đồng USD hồi phục từ mức đáy của 6 tháng thiết lập vào cuối tháng 12. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng 0,42%.

Giá vàng giao sau tăng 0,3%, chốt ở 1.528,1 USD/oz, mức cao nhất trng 3 tháng.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,25 USD/thùng, đóng cửa ở 66,25 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,12 USD/thùng, chốt ở 61,18 USD/thùng.