Trung Quốc chuyển chính sách, vốn hoá công ty “nghìn tỷ đô” đầu tiên mất 800 tỷ USD
PetroChina từng là doanh nghiệp niêm yết đầu tiên trên thế giới có mức vốn hóa 1 nghìn tỷ USD
Được coi là cuộc rớt giá cổ phiếu lớn nhất trong lịch sử thế giới, đà giảm giá cổ phiếu của tập đoàn dầu lửa quốc doanh Trung Quốc PetroChina đến nay vẫn chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.
Hãng tin Bloomberg cho biết, 10 năm sau khi đạt đỉnh trong ngày giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán Thượng Hải, giá trị vốn hóa thị trường của PetroChina đến nay đã "bốc hơi" khoảng 800 tỷ USD.
Số tiền này đủ để mua toàn bộ thị trường chứng khoán Italy, hoặc xếp vòng quanh Trái Đất 31 lần bằng những tờ 100 USD.
Số tiền như vậy cũng lớn gấp 1,3 lần so với giá trị vốn hóa thị trường hiện nay của hãng phần mềm Microsoft (608 tỷ USD) và 1,2 lần so với GDP của Thụy Sỹ (660 tỷ USD).
Tính theo tỷ giá USD hiện tại, đây là vụ mất mát tài sản cổ đông lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới. Tuy nhiên, câu chuyện chưa dừng ở đây.
Theo dự báo của các nhà phân tích được Bloomberg khảo sát ý kiến, giá cổ phiếu của PetroChina niêm yết tại Thượng Hải sẽ giảm thêm 16% trong vòng 12 tháng tới.
Giá cổ phiếu của PetroChina rớt thảm chủ yếu do sự dịch chuyển chính sách kinh tế của Trung Quốc trong thập kỷ qua. Trong đó, Bắc Kinh dịch chuyển khỏi mô hình phát triển dựa nhiều vào hàng hóa cơ bản sang mô hình dựa trên các ngành công nghệ cao và tiêu dùng, đồng thời có nhiều nỗ lực để ngăn chặn các cơn sốt đầu cơ cổ phiếu.
Hồi năm 2007, cơn sốt cổ phiếu PetroChina đã đưa công ty này trở thành doanh nghiệp niêm yết đầu tiên trên thế giới có mức vốn hóa 1 nghìn tỷ USD.
Cộng với việc giá dầu giảm 44% trong 10 năm qua và kế hoạch tham vọng của Trung Quốc về phát triển xe điện, không có gì là khó hiểu khi giới phân tích tiếp tục bi quan về triển vọng cổ phiếu PetroChina.
Tất nhiên, nhiều nhân tố dẫn tới sự sụt giá thảm hại của cổ phiếu PetroChina nằm ngoài sự kiểm soát của công ty. Khi cổ phiếu này bắt đầu niêm yết ở Thượng Hải vào năm 2007, bong bóng cả trên thị trường dầu và thị trường chứng khoán Trung Quốc đều chuẩn bị nổ, chưa kể cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chuẩn bị ập đến.
Mặc dù vậy, nếu so với mức giảm 73% của chỉ số cổ phiếu năng lượng tại thị trường Trung Quốc CSI 300 Energy Index trong 10 năm qua, thì mức giảm 82% của cổ phiếu PetroChina không phải là quá tệ.
Ngoài ra, phần lớn cổ phiếu PetroChina thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Quốc, nên ảnh hưởng đối với các cổ đông thiểu số không phải là lớn như những gì mà sự mất mát giá trị vốn hóa phản ánh.