09:44 25/12/2009

Trung Quốc - Đài Loan xích lại gần hơn

Quốc Trung

Trung Quốc đại lục và Đài Loan đang tiến gần tới ECFA trong chiến lược tạo ra sự cân bằng qua eo biển mà cả hai bên đều có lợi

Ông Trần Vân Lâm và ông Giang Bính Khôn gặp nhau ở Đài Trung (Đài Loan) sáng 22-12 - Ảnh:Chinadaily.cn.
Ông Trần Vân Lâm và ông Giang Bính Khôn gặp nhau ở Đài Trung (Đài Loan) sáng 22-12 - Ảnh:Chinadaily.cn.
Cuộc hội đàm lần thứ 4 giữa lãnh đạo Hiệp hội Quan hệ hai bờ eo biển Trung Quốc (ARATS) và Quỹ Giao lưu eo biển Đài Loan (SEF) vừa diễn ra ngày 22/12, tại thành phố Đài Trung của Đài Loan, đã cho thấy sự xích lại gần nhau hơn trong quan hệ hai bờ và mở ra cơ hội hợp tác kinh tế song phương.

Thành lập năm 1991 và 1990, ARATS và SEF được Trung Quốc đại lục và Đài Loan ủy quyền giải quyết các vấn đề trao đổi giữa hai bờ eo biển. Hai tổ chức này đã nhất trí mỗi năm gặp nhau hai lần tại đại lục và Đài Loan sau khi các cuộc thương lượng xuyên eo biển được nối lại tháng 6 năm ngoái, sau 10 năm gián đoạn.

Ký nhiều hiệp định hợp tác

Tại cuộc hội đàm lần thứ 4 này, Chủ tịch ARATS Trần Vân Lâm khẳng định rằng, hơn một năm qua, (ARATS) và (SEF) đã tích cực hợp tác, xử lý ổn thoả nhiều vấn đề khó khăn và phức tạp, thông qua trao đổi thiện chí; đã ký kết 9 hiệp định. Theo đó, cải thiện đáng kể quan hệ, tăng cường sự giao lưu và hợp tác giữa nhân dân hai bờ.

Ông Trần Vân Lâm và ông Giang Bính Khôn-đại diện phía Đài Loan đã thương thảo giải quyết các vấn đề như hợp tác dịch vụ lao động thuyền viên đánh cá, hợp tác kiểm nghiệm kiểm dịch hàng nông sản, hợp tác kiểm nghiệm chứng nhận tiêu chuẩn đo lường, hợp tác tránh đánh thuế hai lần và tăng cường hợp tác thuế vụ hai bờ, quyền sở hữu trí tuệ... Đồng thời, hai bên ký hiệp định hữu quan và trao đổi ý kiến về ký Hiệp định khung hợp tác kinh tế hai bờ (ECFA)...

Trung Quốc đại lục và Đài Loan đang tiến rất gần tới ECFA trong chiến lược tạo ra sự cân bằng qua eo biển mà cả hai bên đều có lợi. Mối quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan được cải thiện đáng kể từ khi ông Mã Anh Cửu, người của Quốc dân đảng, lên nắm quyền lãnh đạo ở đảo này. Với chủ trương xích lại gần hơn với đại lục, ông Mã đã triển khai hàng loạt các bước đi nhằm tăng cường giao lưu mà việc nối lại vòng đàm phán là điểm nhấn tiêu biểu.

Cùng có nhu cầu hợp tác, thúc đẩy tăng trưởng

Mới đây, ông Vương Nghị (Wang Yi), Chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Đài Loan trực thuộc Chính phủ Trung Quốc, phát biểu tại hội nghị chuyên đề về hai bờ eo biển Đài Loan diễn ra ở Thành Đô (Tây Nam Trung Quốc) khẳng định: "Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với Đài Loan và khởi động càng sớm càng tốt các cuộc thảo luận chính thức về thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa hai bờ trước cuối năm nay... Bắc Kinh sẵn sàng can dự hơn nữa với Đài Loan nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến trao đổi kinh tế giữa hai bờ eo biển, đồng thời nâng quan hệ kinh tế hai bên lên một cấp độ mới".

Theo  Bộ Thương mại Trung Quốc, từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với Đài Loan đạt 62,29 tỷ USD, song vẫn giảm tới 33,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu của đại lục với Đài Loan là 11,85 tỷ USD giảm 34,5%;  nhập khẩu của đại lục từ Đài Loan là 50,44 tỷ USD giảm 32,8%.

Từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, số dự án đầu tư của thương nhân Đài Loan được Trung Quốc đại lục phê chuẩn là 1.523 dự án, giữ mức cân bằng so với năm ngoái, với số vốn đầu tư sử dụng thực tế đạt 1,14 tỷ USD, giảm 12,8%. Căn cứ vào thống kê vốn đầu tư nước ngoài vào đại lục, Đài Loan chiếm 41,3% và 5,4% trong tổng số vốn đầu tư ngoài đại lục vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, hợp tác du lịch đang có xu hướng tăng mạnh. Cơ quan Du lịch Đài Loan vừa cho biết, lượng du khách đại lục tới Đài Loan đã tăng 479% so với cùng kỳ năm ngoái trong 10 tháng đầu năm, với 407.237 du khách. Hồi tháng 7/2008, chính quyền Đài Loan đã quyết định tăng gấp ba hạn ngạch du khách đại lục tới Đài Loan mỗi ngày, lên 3.000 người. Trung Quốc đại lục và Đài Loan dự kiến thiết lập văn phòng du lịch tại mỗi bên trước Tết Nguyên đán năm tới.