13:03 22/07/2017

Trung Quốc đặt mục tiêu “nhất thế giới” về trí tuệ nhân tạo

Thăng Điệp

Trung Quốc công bố một lộ trình gồm ba phần cho việc phát triển và áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực từ quân sự tới quy hoạch đô thị

Người máy trưng bày tại một triển lãm ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 8/7/2017 - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
Người máy trưng bày tại một triển lãm ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 8/7/2017 - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2030, với mục tiêu đưa lĩnh vực này thành một ngành công nghiệp trị giá 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương gần 148 tỷ USD, tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Theo hãng tin CNBC, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ngày 21/7 đã công bố một lộ trình gồm ba phần cho việc phát triển và áp dụng AI trong các lĩnh vực từ quân sự tới quy hoạch đô thị.

“Trí tuệ nhân tạo đã trở thành một đầu tàu phát triển kinh tế mới”, tài liệu của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc có đoạn viết.

Phần đầu của kế hoạch dự kiến từ nay đến năm 2020 Trung Quốc sẽ đạt tiến bộ trong việc phát triển một thế hệ mới lý thuyết và công nghệ AI, đồng thời phát triển các quy chuẩn và chính sách cho AI.

Phần thứ hai của kế hoạch áp dụng trong thời gian đến năm 2025, dự kiến Trung Quốc sẽ đạt bước đột phá lớn trong công nghệ AI và ứng dụng công nghệ này, nhằm dẫn tới “sự nâng cấp trong công nghiệp và dịch chuyển kinh tế”.

Phần cuối của kế hoạch dự kiến đến năm 2030 Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về AI và ngành công nghiệp này tại Trung Quốc sẽ đạt quy mô 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ.

Kế hoạch của Trung Quốc không chỉ muốn đẩy mạnh thương mại hóa AI trong những lĩnh vực như thành phố thông minh, mà còn trong cả lĩnh vực quân sự. Điều này đã khiến Mỹ lo ngại.

Một báo cáo mới đây của Lầu Năm Góc đã cho thấy sự lo ngại của Chính phủ Mỹ trước việc các công ty Trung Quốc đầu tư vào các công ty công nghệ khởi nghiệp (start-up) của Mỹ. Báo cáo này cho thấy Washington có thể đang cân nhắc tăng cường kiểm soát việc Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp Mỹ.

“Nếu chúng ta để Trung Quốc đồng thời tiếp cận với cùng những công nghệ này, thì sẽ đến lúc chúng ta không chỉ để mất ưu thế công nghệ của mình, mà thậm chí sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc chiếm ưu thế công nghệ”, báo cáo của Lầu Năm Góc có đoạn viết.

Trung Quốc hiện đã có một vài trong số những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, như Alibaba và Baidu, và các công ty này đều đang tập trung phát triển năng lực AI.

Chẳng hạn, Baidu có một phòng thí nghiệm AI ở Thung lũng Silicon và đang khảo sát những lĩnh vực như xe không người lái. Trong khi đó, mảng điện toán đám mây của Alibaba đang tập trung mạnh vào sử dụng AI trong những lĩnh vực từ mua sắm tới y tế.

Tuy nhiên, sự hứa hẹn của AI cũng đi kèm với lời cảnh báo từ các nhà công nghệ hàng đầu về khả năng ảnh hưởng đến việc làm và xã hội nói chung. Chẳng hạn, Giám đốc điều hành (CEO) Elon Musk của hãng xe điện Tesla đã cảnh báo rằng AI có thể dẫn tới việc buộc phải áp dụng chính sách thu nhập cơ bản cho toàn dân.

Các CEO công nghệ hàng đầu của Trung Quốc cũng đã đưa ra những lời cảnh báo. Gần đây, Chủ tịch Jack Ma của Alibaba nói xã hội có thể phải trải qua “hàng thập kỷ đau thương” do sự gián đoạn gây ra bởi Internet và những công nghệ mới đối với các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.

“Trong 30 năm tới, thế giới sẽ trải qua nhiều đau thương hơn là hạnh phúc, bởi có nhiều hơn những vấn đề mà chúng ta phải vượt qua”, ông Ma nói về nguy cơ mất việc làm do công nghệ gây ra hồi tháng 4 năm nay.

Đây là điều mà Bác Kinh đã nhận thức được. Kế hoạch của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cam kết sẽ phát triển AI một cách có trách nhiệm. “Dù đẩy mạnh phát triển trí tuệ ảo, chúng ta cần hết sức chú ý rủi ro đi kèm”, kế hoạch có đoạn viết.