10:06 24/05/2007

Trung Quốc: Hàng giả, gậy ông đập lưng ông

Lâu nay nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị mang tiếng là hàng giả, hàng nhái, hàng dỏm

Một tiệm bán thực phẩm dành cho thú nuôi.
Một tiệm bán thực phẩm dành cho thú nuôi.
Lâu nay nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị mang tiếng là hàng giả, hàng nhái, hàng dỏm.

Mới đây, Hoa Kỳ thu hồi lô hàng thực phẩm vật nuôi “made in China” khiến cho thế giới giật mình cảnh giác với hàng hoá Trung Quốc. Điều này là mối đe doạ cho Trung Quốc vì mỗi năm nước này xuất khẩu hơn 30 tỉ USD các mặt hàng thực phẩm và thuốc đến các nước châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu

Gieo nhân nào…

Ngày 2/3/2007, công ty Menu Foods, doanh nghiệp sản xuất thức ăn cho chó, mèo của Canada, có trụ sở ở Hoa Kỳ điều tra nguyên nhân đột tử của hàng loạt chú chó, mèo cưng của khách hàng. Số chó mèo này chết sau khi ăn thực phẩm chứa gluten bột mì nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trước khi ra lệnh thu hồi sản phẩm của công ty đợt 1 trên toàn nước Mỹ vào ngày 16.3.2007, Menu Foods gởi mẩu thức ăn đến Trường Đại học Cornell và một phòng xét nghiệm ở New York để tìm hiểu nguyên nhân. Kết quả xét nghiệm được loan tải trên các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ cho biết loại thực phẩm này có độc tố, gây ra chứng suy thận cấp làm chó, mèo chết.

Các chuyên gia Hoa Kỳ cho biết họ nghi ngờ thực phẩm vật nuôi đã bị hai công ty Trung Quốc cố ý trộn melamine, một hoá chất công nghiệp, với bột mì để nguỵ tạo thành chất protein. Hành động phi pháp trên đã làm chết hơn 4.000 vật nuôi ở Hoa Kỳ. Các chuyên gia trên thế giới đang từng bước kiểm tra các sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc, thậm chí ngưng nhập khẩu một vài mặt hàng. Ở châu Âu, các chuyên gia an toàn thực phẩm đang kiểm tra tất cả protein nhập khẩu từ Trung Quốc bị nghi ngờ có chất melamine.

Đây là vụ thu hồi thực phẩm vật nuôi lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ. Sự kiện này dấy lên nỗi lo ngại về các mặt hàng lương thực xuất xứ từ Trung Quốc. Sau vụ này Trung Quốc đang chịu áp lực của cả thế giới yêu cầu phải chứng minh sự an toàn của thực phẩm xuất khẩu “made in China”.

Trung Quốc đã phủ nhận việc bán lúa mì gluten đến Hoa Kỳ, thậm chí một quan chức còn cho rằng melamine không thể nguy hại đến vật nuôi. Song song đó, Trung Quốc cấm các loại thực phẩm và protein trong thức ăn vật nuôi có chứa melamine. Trung Quốc hứa sẽ sớm kiểm tra lại toàn bộ hệ thống an toàn thực phẩm và cải thiện quy trình quản lý xuất khẩu.

Vào ngày 8/5, Trung Quốc đã phát hiện ra hai công ty cố ý xuất khẩu đến Hoa Kỳ loại protein thực vật bị hỏng có thành phần melamine. Sự vụ trên đã làm liên luỵ đến hàng loạt những nhà xuất khẩu nông nghiệp Trung Quốc.

... gặt quả nấy

Phản ứng của Trung Quốc không đủ để lấy lại lòng tin của thế giới vào hàng hoá Trung Quốc. Người ta vẫn còn hoài nghi về khả năng khắc phục hậu quả của chính quyền Trung Quốc, một nơi mà các chuyên gia gọi là nền kinh tế giả tạo và một nền văn hoá hàng nhái.

CJ Foods, một trong những nhà chế biến thực phẩm và thức ăn gia súc lớn nhất Hàn Quốc cho biết họ sẽ thu hồi 42 tấn lúa mì gluten từ Trung Quốc mặc dù những sản phẩm trên được kiểm định là không có thành phần melamine.

Do đó, vấn đề lớn hơn nữa cho Trung Quốc là làm sao chứng tỏ với thế giới rằng họ không phải là một quốc gia chuyên làm đồ nhái và sản phẩm Trung Quốc có chất lượng đáng tin cậy. Ông David Zweig, một chuyên gia Trung Quốc dạy ở trường Đại học Công nghệ Hồng Kông nhận định: “Vấn đề này hiện chưa phải là sự khủng hoảng toàn cầu nhưng nếu họ không mau chóng có biện pháp, điều này sẽ thành sự thật”.

Không chỉ thực phẩm dành cho thú nuôi, thực phẩm dành cho người có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng bị nghi ngờ. Nhiều nguồn cung cấp thịt, cá của Trung Quốc đang bị dịch bệnh. Mới đây, Trung Quốc phát hiện thêm một ổ cúm gia cầm ở làng Shijiping thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Dịch cúm đã làm chết 11.000 gia cầm.

Điều này khiến nhiều công ty thực phẩm Hoa Kỳ có tầm cỡ đang gia tăng sức ép với Trung Quốc và yêu cầu họ phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ những phát hiện thịt, cá bị nhiễm bệnh, người ta sợ luôn rau nhập khẩu từ Trung Quốc cũng có mầm bệnh hoặc độc tố. Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ yêu cầu các nhà nhập khẩu rau cải phải trình chứng nhận rau sạch đối với rau cải nhập khẩu từ Trung Quốc, trước khi được nhập vào Mỹ.

Ngoài thực phẩm, dược phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng xuất xứ Trung Quốc cũng bị mang tiếng. Ở Panama, hơn 100 người tử vong trong vài năm gần đây do uống nhầm thuốc giả. Số thuốc giả này bị truy ra nguồn gốc nhập khẩu vào Panama từ các công ty Trung Quốc. Cách đây vài tuần, hệ thống cửa hàng bán lẻ Wal-Mart loan báo thu hồi yếm trẻ em vì lô hàng này có chứa hàm lượng chì cao, gây nguy hiểm cho trẻ em. Số yếm này bị chỉ rõ “made in China ”.

Để khôi phục lại niềm tin trong lĩnh vực xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần đối mặt với vấn đề này và không được che đậy hoặc trì hoãn cung cấp thông tin giống như khi bệnh SARS và cúm gia cầm tấn công đất nước này.

* Trung Quốc là nước vi phạm nhiều nhất các chuẩn mực an toàn thực phẩm Hoa Kỳ. Tháng rồi, chính phủ Hoa Kỳ đã từ chối 257 chuyến hàng thực phẩm từ Trung Quốc. Ít nhất 137 chuyến hàng đã bị từ chối vì lý do mất vệ sinh, sau khi phát hiện có vi khuẩn salmonella, hoặc các thành phần bị cấm sử dụng. Cũng trong tháng qua, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã tịch thu hơn 1.000 chuyến hàng chất bổ sung cho người ăn kiêng, mỹ phẩm có chứa chất độc hại và thuốc giả từ Trung Quốc.

Tờ báo Chicago Tribune cho biết mỗi tháng có rất nhiều chuyến hàng từ Trung Quốc bị từ chối nhập khẩu, thuộc các mặt hàng như cá da trơn, tôm, và nhiều loại thuỷ sản khác. Nhiều mặt hàng khác của Trung Quốc cũng bị thanh tra y tế chặn lại như trà thảo dược, đậu hủ, kẹo, táo khô, mận khô và sữa đậu nành, cùng các mặt hàng phi thực phẩm như ống thông tiểu và kem làm bóng môi.

Ngày 21/5, Panama phát hiện hơn 6.000 tuýp kem đánh răng "made in China" có chứa độc tố diethylene glycol. Số kem đánh răng này mang nhãn hiệu Excel và Cool. Trước đó không lâu, thành phố Lismore, Úc thu hồi các lô hàng kem đánh răng Excel của Trung Quốc. Năm ngoái, 300 người ở Panama bị thiệt mạng vì uống phải thuốc cảm glycerin, dạng sirô có chứa diethylene glycol. Số thuốc này cũng có xuất xứ Trung Quốc. Diethylene glycol thường làm hư thận, gây suy hô hấp dẫn đến tử vong.