Trung Quốc: Khối ngoại xả cổ phiếu vì bi quan kinh tế, Chính phủ can thiệp
Sau một năm “sóng gió”, bước sang năm 2024, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tiếp tục bán cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc đại lục do tâm lý bi quan về sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới...
Theo dữ liệu từ Bloomberg, các quỹ toàn cầu đã bán 7,9 tỷ Nhân dân tệ (1,1 tỷ USD) cổ phiếu niêm yết ở Trung Quốc đại lục trong hai tuần đầu năm 2024. Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục đi xuống do áp lực giảm phát vẫn hiện hữu trong khi những hỗ trợ chính sách của Chính phủ chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Chứng khoán Trung Quốc vừa có một khởi đầu năm mới tồi tệ nhất kể từ năm 2019 và đang giao dịch ở mức thấp nhất trong gần 5 năm. Năm 2023, thị trường này cũng chứng kiến dòng tiền chảy vào từ nhà đầu tư ngoại thấp nhất từ trước đến nay. Tháng 1/2024 được dự báo sẽ là tháng thứ 6 liên tiếp nhà đầu tư ngoại rút ròng tại thị trường này.
Theo nguồn tin từ Financial Times, trước tình hình này, những ngày gần đây, các nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu một số nhà đầu tư tổ chức không bán cổ phiếu. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nhà quản lý tiếp tục chịu áp lực bình ổn giá cổ phiếu sau khi thị trường sụt giảm mạnh trong hai tuần đầu năm mới.
Kể từ tháng 10/2023, các cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc đã đưa ra hướng dẫn riêng – được biết đến là “cửa sổ định hướng” (window guidance)” – với một số nhà đầu tư nhằm ngăn họ bán ròng chứng khoán vào một số phiên nhất định. Theo các nhà phân tích, chính sách “cửa sổ định hướng” này – được bắt đầu thực hiện vào năm 1998 nhằm hạn chế bán chứng khoán – đã giúp chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc phục hồi khoảng 3% trong tuần cuối cùng của năm 2023.
Tuy nhiên, bước sang năm 2024, khi hạn chế bán với một số quỹ tương hỗ và môi giới chứng khoán được nới lỏng, CSI 300 lại quay đầu giảm mạnh, xóa sạch thành quả tăng điểm trước đó và hiện đã giảm hơn 4% so với hồi đầu năm.
Theo nguồn tin từ 3 tổ chức tài chính của Financial Times, hiện Bắc Kinh lại áp đặt hạn chế này đối với các công ty chứng khoán – nhóm nhà đầu tư tổ chức lớn tại Trung Quốc khi vừa đóng vai trò là môi giới, vừa là đơn vị giao dịch. Giới phân tích cho rằng động thái mới nhất của nhà chức trách đang làm méo mó thị trường và làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư.
“Loại ‘cửa sổ định hướng’ này làm chậm áp lực bán, nhưng không thể trì hoãn mãi được. Sau cùng thì tâm lý thị trường vẫn mang tính quyết định”, giám đốc tại một công ty chứng khoán ở Thượng Hải cho biết.
Các cơ quan quản lý tại Trung Quốc đang chịu áp lực phải chấm dứt tình trạng bán tháo cổ phiếu đã khiến CSI 300 giảm 19% trong năm 2023. Những biện pháp công khai nhằm phục hồi nhu cầu trên thị trường, như giảm phí giao dịch, quỹ đầu tư trung ương mua cổ phiếu ngân hàng…, đã không thể vực dậy niềm tin của nhà đầu tư.
Thay vào đó, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Sàn giao dịch chứng khoán Thẩm Quyến đã chuyển sang ban hành cửa sổ định hướng riêng.
Theo các nhà giao dịch và nhà quản lý quỹ, đầu năm nay, nhà chức trách đã buộc phải cho phép bán ròng tại các quỹ tương hỗ nhỏ trong bối cảnh các quỹ này đối mặt áp lực rút tiền ngày càng lớn từ khách hàng do lo lắng thị trường tiếp tục đi xuống. Điều này khiến các nhà đầu tư bán lẻ lo sợ và châm ngòi cho một đợt bán tháo mới. Trong khi đi đó, gánh nặng đè lên các quỹ tương hỗ lớn nhất Trung Quốc do vẫn bị hạn chế bán ròng và chịu lỗ nặng.
Những can thiệp gần đây của Bắc Kinh không giống với những chính sách thường triển khai. Không giống những lần thị trường lao dốc trước đó, Chính phủ hiện vẫn chưa huy động các quỹ và tổ chức tài chính nhà nước – thường được gọi là “đội quân quốc gia” – mua vào cổ phiếu trên quy mô lớn.