Trung Quốc lại khóa 1 cửa khẩu với Việt Nam
Cặp cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam) - Lý Hỏa (thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) tạm dừng thông quan chỉ sau 2 ngày mở lại hoạt động do phía Trung Quốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch...
Theo thông báo từ phía Trung Quốc, cửa khẩu Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa sẽ dừng hoạt động từ ngày 28/9 đến hết ngày 7/10/2022. Dự kiến, từ ngày 8/10, cặp cửa khẩu này sẽ mở cửa thông quan trở lại.
Trước đó, ngày 26/9, sau 7 tháng tạm dừng hoạt động, cặp cửa khẩu Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa đã được thông quan trở lại. Trong 2 ngày thông quan 26 và 27/9, chỉ có 2 xe hàng tạp của doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu này.
Cửa khẩu này đã phải tạm dừng hoạt động từ ngày 24/2/2022 do phía Trung Quốc triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, dịp này Trung Quốc bắt đầu bước vào những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 1/10 nên phía nước bạn siết chặt hơn thường lệ.
Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. 8 tháng năm 2022, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 33,1% tổng kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường của Việt Nam, dự báo cả năm 2022 chiếm 33,4%. Đây là tỷ trọng tăng lên và lớn hơn nhiều so với các thị trường lớn thứ 2 trở xuống (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ, Thái Lan,…).
Đáng chú ý, riêng 2 địa phương có biên giới tiếp giáp với Việt Nam là tỉnh Vân Nam (48,0 triệu người) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (48,8 triệu người) mang lại cơ hội trực tiếp cho Việt Nam khai thác thương mại qua biên giới.
14 mặt hàng đạt quy mô lớn nhập khẩu lớn từ Trung Quốc (trên 1 tỷ USD). Lớn nhất là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; vải; điện thoại và linh kiện; sắt thép; sản phẩm chất dẻo, hóa chất; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép; dây điện và dây cáp điện...
Trong các mặt hàng này, có những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, vải.
Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam còn nhiều dư địa để khai thác thị trường Trung Quốc. Với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt các sản phẩm nông, thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú.
Bên cạnh đó, Việt Nam - Trung Quốc có đường biên giới trải dài tạo lợi thế về logistics và tập quán giao thương lâu đời. Đến nay, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc có 76 cửa khẩu, lối mở, gồm: 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 21 cửa khẩu phụ và 42 lối mở, điểm thông quan. Hệ thống này mang lại lợi thế lớn về logistics cho hoạt động thương mại Việt Nam - Trung Quốc.