Trung Quốc mất vị trí số 1 về xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ, địa vị “công xưởng của thế giới” lung lay
Mexico và Canada đã thế chỗ Trung Quốc ở vị trí những quốc gia cung cấp nhiều hàng hoá nhất cho Mỹ, trong bối cảnh nỗ lực dịch chuyển chuỗi cung ứng về gần hơn của Mỹ mang lại cho nước này chuỗi cung ứng da dạng hơn...
Sự tụt hạng này có thể khiến vị trí “công xưởng của thế giới” mà Trung Quốc nắm giữ bấy lâu trở nên lung lay.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 8/8 cho thấy nước này nhập khẩu khoảng 203 tỷ USD hàng hoá từ Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
NGUYÊN NHÂN MỸ GIẢM NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ TRUNG QUỐC
Với giá trị xuất khẩu sang Mỹ như trên, Trung Quốc hiện là nhà cung cấp hàng hoá lớn thứ ba cho Mỹ, sau Mexico và Canada - hai quốc gia láng giềng có chung đường biên giới với Mỹ. Trong nửa đầu năm nay, nhập khẩu hàng hoá vào Mỹ từ Mexico tăng 5,4%. Trong top 5 nước cung cấp hàng hoá lớn nhất cho Mỹ còn có Đức và Nhật Bản.
Trung Quốc đã giữ vị trí nhà cung cấp hàng hoá lớn nhất cho Mỹ trong suốt hơn 1 thập kỷ qua nếu tính theo số liệu hàng năm. Quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lập đỉnh vào năm ngoái, với kim ngạch thương mại hàng hoá hai chiều đạt 690,6 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục cũ thiết lập vào năm 2018 - theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ. Trong đó, Mỹ nhập khẩu 536,8 tỷ USD hàng hoá từ Trung Quốc - gần bằng mức kỷ lục thiết lập vào năm 2018 - và xuất khẩu 153,8 tỷ USD hàng hoá sang Trung Quốc.
Hiện tại, quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang đối mặt với nhiều thách thức do bất đồng quan điểm ngày càng lớn giữa Washington và Bắc Kinh về nhiều vấn đề như nhân quyền, thương mại bình đẳng, cạnh tranh công nghệ và quyền tiếp cận thị trường. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng vào năm 2018 cũng là một nhân tố quan trọng khiến quan hệ thương mại song phương suy giảm, bởi hai bên đã mạnh tay áp thuế quan lên hàng hoá của nhau.
Ngoài ra, người tiêu dùng Mỹ còn có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến xuất xứ của hàng hoá khi mua hàng, và nhu cầu đối của họ đối với các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc gồm điện thoại và quần áo có chiều hướng giảm bớt - theo Bloomberg. Bên cạnh đó, các vấn đề về chuỗi cung ứng trong thời gian đại dịch đã dẫn tới nỗ lực đa dạng hoá logistics, đồng nghĩa Mỹ nhập khẩu hàng hoá nhiều hơn từ các quốc gia láng giềng lân cận.
Cũng theo báo cáo mới nhất từ Bộ Thương mại Mỹ, nhập khẩu hàng hoá vào nước này từ Trung Quốc (số liệu chưa điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ) giảm còn 44,6 tỷ USD trong tháng 6, từ mức 46,6 tỷ USD trong tháng 5 và mức 60 tỷ USD cùng kỳ năm 2022.
TRUNG QUỐC GIẢM VỊ THẾ “CÔNG XƯỞNG CỦA THẾ GIỚI”
Theo trang Investopedia, sự sụt giảm của thương mại hàng hoá Mỹ-Trung phản ánh một trong những xu hướng đang xói mòn vị thế “công xưởng của thế giới” mà Trung Quốc nắm giữ bấy lâu nay. Đây là một hệ quả từ chính sách của Mỹ khuyến khích doanh nghiệp dịch chuyển khỏi Trung Quốc để đặt sản xuất ở những nước có vị trí địa lý gần hơn với Mỹ (chiến lược nearshoring) hoặc có quan hệ gần gũi hơn với Mỹ (chiến lược friendshoring).
Một số nhà sản xuất đã hưởng ứng lời kêu gọi này của Mỹ, rút sản xuất khỏi Trung Quốc để chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á. Trong đó phải kể đến việc hai “gã khổng lồ” công nghệ Apple và Samsung chuyển bớt sản xuất sang Việt Nam hồi năm 2022, hay hãng đồ chơi trẻ em Hasbro chuyển sản xuất sang Mexico, Mỹ, Ấn Độ và Việt Nam hồi năm 2019.
Nhà kinh tế Mark Hopkins của Moody’s Analytics nhận định rằng việc các công ty rút sản xuất khỏi Trung Quốc là một nỗ lực giảm bớt rủi ro trong hoạt động.
“Có những cơ hội để doanh nghiệp đa dạng hoá, nên không phải là tất cả mọi thứ sẽ được sản xuất ở chỉ một quốc gia. Ngoài yếu tố chi phí, còn có một yếu tố khác là rủi ro có thể giảm xuống khi có nhà cung cấp ở những quốc gia như Việt Nam thay vì ở Trung Quốc”, ông Hopkins nói.
Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia là vài trong số những nền kinh tế đã và đang hưởng lợi từ sự suy giảm thương mại Mỹ-Trung. Theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, tổng nhập khẩu hàng hoá vào Mỹ từ 4 nền kinh tế này đạt hơn 30,3 tỷ USD trong tháng 6, cách không xa mức 34,3 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc cùng kỳ (số liệu đã điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ). Trước đây, Trung Quốc dẫn trước nhóm nền kinh tế này về xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ với một khoảng cách lớn.
Ông Hopkins lưu ý rằng sự sụt giảm của thương mại hàng hoá Mỹ-Trung Quốc thể là một hệ quả từ đại dịch - bởi kim ngạch tăng vọt trong năm 2021-2022 khi chuỗi cung ứng toàn cầu hồi phục sau cú sốc Covid-19 dẫn tới cơ sở so sánh cao. Bởi vậy, một phần trong sự suy giảm hiện nay có thể chỉ là điều chỉnh về bình thường.
Vị chuyên gia dự báo thương mại Mỹ-Trung có thể ổn định và chậm dần lại nhưng sẽ không sụt giảm chóng mặt.
“Xét cho cùng, tôi có cái nhìn tích cực về quan hệ thương mại Mỹ-Trung vì tôi cho rằng với tư cách là hai siêu cường kinh tế lớn nhất thế giới, họ đều có nhu cầu quản lý nền kinh tế toàn cầu và đều nhận thấy rằng thương mại là một trò chơi đôi bên cùng có lợi chứ không phải trò chơi có tổng bằng 0. Nhưng đó là triển vọng dài hạn, còn trong ngắn hạn, mối quan hệ này vẫn còn bị phủ bóng bởi bấp bênh địa chính trị”, ông Hopkins nói.