10:26 09/01/2023

Trung Quốc mở cửa, có cần cảnh giác về một làn sóng Covid-19 mới?

Hoài Phương

Ngay khi Trung Quốc thông báo sẽ mở cửa biên giới từ ngày 8/1/2023, một số quốc gia nhanh chóng áp đặt các hạn chế đi lại đối với người đến từ Trung Quốc, do cảnh giác với nguy cơ bùng dịch từ biến thể mới nguy hiểm…

Ảnh: The Japan Times
Ảnh: The Japan Times

Đức, Bỉ và Luxembourg ngày 7/1 đã khuyến cáo công dân không nên thực hiện các chuyến đi không cần thiết đến Trung Quốc vào thời điểm hiện tại vì lo ngại tình hình dịch tại nước này. Bộ Ngoại giao Đức viết trên Twitter ngày 7/1: "Hiện tại, chúng tôi không khuyến khích các chuyến đi không cần thiết đến Trung Quốc. Lý do là đỉnh dịch Covid-19 và hệ thống y tế quá tải ở nước này".

Nước láng giềng Bỉ và Luxembourg đã nhanh chóng đưa ra khuyến cáo tương tự. Bộ Ngoại giao Bỉ cho biết trên trang web chính thức rằng: "Trước nguy cơ bệnh viện quá tải, nguy cơ không thể điều trị nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp, việc đi lại không cần thiết đến Trung Quốc không được khuyến nghị trong thời điểm hiện tại".

NHỮNG CON SỐ CẢNH BÁO

Theo East Asia Forum, dự kiến hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ về quê ăn Tết năm nay, sau khi nước này sẽ chấm dứt phần lớn biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt kể từ ngày 8/1. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Thôi Nhĩ Nam, nhà phân tích của công ty Gavekal Dragonomics về thị trường vốn ở Bắc Kinh, cho biết dựa trên một số cuộc khảo sát trực tuyến cho thấy tình hình dịch Covid-19 trước đây đã lan rộng khắp các vùng nông thôn hơn so với dự đoán.

Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, quá trình theo dõi, giám sát các chủng virus SARS-CoV-2 tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, cho thấy các ca bệnh ở Hàng Châu trong tuần qua đều là chủng đột biến Omicron BA.5.2 và BF.7. Trong đó, BA.5.2 chiếm 54,17% và BF.7 chiếm 45,83%. Đồng thời, các dòng virus nhánh tiến hóa khác như Omicron XBB, BQ.1, BQ.1.19 cũng đã được phát hiện trong số những người nhập cảnh trong vòng quản lý khép kín.

Dữ liệu chính thức cũng cho thấy tỷ lệ lây nhiễm hơn 20% trong số khách du lịch từ Trung Quốc đến các nước láng giềng Hàn Quốc và Đài Loan trong tuần đầu tiên của tháng 1. Theo The Washington Post, dữ liệu từ Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc cho thấy tỷ lệ lây nhiễm đối với du khách ngắn hạn từ Trung Quốc đến Hàn Quốc là 23,2% (hoặc 314 trong số 1.352 người được xét nghiệm tại sân bay) từ ngày 2/1 đến ngày 6/1. KDCA dự kiến sẽ công bố dữ liệu về tất cả khách du lịch từ Trung Quốc vào tuần tới.

Tỷ lệ lây nhiễm là hơn 20% trong số khách du lịch từ Trung Quốc đến các nước láng giềng Hàn Quốc và Đài Loan trong tuần đầu tiên của tháng 1.
Tỷ lệ lây nhiễm là hơn 20% trong số khách du lịch từ Trung Quốc đến các nước láng giềng Hàn Quốc và Đài Loan trong tuần đầu tiên của tháng 1.

Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Đài Loan, từ ngày 1/1 đến ngày 5/1, khoảng 1/5 khách du lịch (21%) từ Trung Quốc đại lục có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, hay 1.111 trong số 5.283 lượt khách đến.

Vào cuối tuần vừa qua, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng đã báo cáo rằng khoảng 8% du khách đến từ Trung Quốc từ ngày 30/12 đến ngày 6/1 đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid, 408 trong số 4.895 lượt khách đến, theo The Japan Times.

 
Các ca bệnh ở Hàng Châu trong tuần qua đều là chủng đột biến Omicron BA.5.2 và BF.7. Trong đó, BA.5.2 chiếm 54,17% và BF.7 chiếm 45,83%.

Chủng XBB và BQ.1 có mức độ lây truyền mạnh và khả năng chống miễn dịch. Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy độc lực của nó không khác biệt nhiều so với các chủng trước đây và tỷ lệ bệnh nặng cũng như tử vong không gia tăng ở các quốc gia xuất hiện hai chủng này.

Tuy nhiên, với sự mở cửa vội vàng từ Trung Quốc, các chuyên gia lo ngại đột biến virus mới có thể hình thành từ sự kết hợp của các chủng virus SARS-CoV-2, hoặc cũng có thể sản sinh từ một chủng hoàn toàn khác biệt.

Theo TS. Stuart Campbell Ray, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins: "Mỗi ca nhiễm mới đều tạo cơ hội cho virus SARS-CoV-2 đột biến, đặc biệt là với các biến chủng virus đang lây lan nhanh chóng ở Trung Quốc với khả năng chống miễn dịch tăng cao. Điều này sẽ làm gia tăng sự xuất hiện của biến chủng mới".

KHÔNG QUÁ LO NGẠI

Mặc dù vậy, TS. Chris Murray, Giám đốc một trung tâm nghiên cứu sức khỏe tại Đại học Washington, có trụ sở tại Seattle, cho biết có rất ít khả năng một biến thể Covid-19 mới nguy hiểm đang tiềm ẩn ở Trung Quốc.

"Đã có hàng trăm ngàn ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới trong năm 2022, nhưng không có biến thể mới nào xuất hiện, chỉ có các nhánh nhỏ của những chủng đột biến Omicron. Đó là lý do tại sao tôi đánh giá việc sẽ có một biến thể mới nguy hiểm ở Trung Quốc ở mức rủi ro thấp", ông Murray nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, nói về nguy cơ xuất hiện biến thể mới sau khi Trung Quốc mở cửa, chuyên gia Yanzhong Huang, nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, thừa nhận "có nguy cơ xuất hiện một biến thể mới trong dân số chưa được tiêm chủng" nhưng không quá lo ngại.

Ông Vương Tân Vũ, Phó Trưởng Khoa Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Hoa Sơn, thành phố Thượng Hải cũng nhận định, biến thể XBB khó có thể gây ra một đỉnh dịch mới tại Trung Quốc.

Các chuyên gia lo ngại đột biến virus mới có thể hình thành từ sự kết hợp của các chủng virus SARS-CoV-2.
Các chuyên gia lo ngại đột biến virus mới có thể hình thành từ sự kết hợp của các chủng virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, để đối phó với làn sóng dịch Covid-19 mới, ngoài việc khuyến khích người dân tiêm mũi vaccine bổ sung, thì kiểm soát dòng người nhập cảnh là biện pháp mà nhiều nước bắt đầu áp dụng.

Theo Reuters, Bộ Y tế Italy chuẩn bị khuyến nghị các biện pháp chống đại dịch Covid-19 nếu tình hình dịch bệnh tại nước này xấu đi. Trong thông báo mới, Bộ Y tế nước này cho biết, “sẽ khuyến nghị sử dụng khẩu trang trong nhà, làm việc tại nhà và giảm tụ tập đông người, cũng như thúc đẩy hệ thống thông gió trong nhà và tiêm chủng nhiều hơn”.

Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này đang lên kế hoạch siết chặt các biện pháp kiểm tra y tế như một phần của chính sách kiểm soát biên giới nhằm phòng, chống dịch Covid-19.

Trong tuyên bố ngày 3/1, Bộ trưởng Y tế Zaliha Mustafa cho biết, bộ này sẽ đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong nước và sẵn sàng ứng phó nếu số ca mắc gia tăng. Giới chuyên gia y tế trong nước khuyến nghị, chính phủ nên áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong giờ làm việc đối với những nhân viên sản xuất và chế biến thực phẩm.

Theo các chuyên gia y tế, việc dự báo về dịch Covid-19 trên thế giới sẽ khó khăn hơn từ năm 2023 do tác động phức tạp giữa các biến thể, vaccine và khả năng miễn dịch tự nhiên cũng như việc giảm truy vết. Vẫn còn khác biệt lớn trong các biện pháp can thiệp dùng thuốc và không dùng thuốc trên khắp thế giới.