14:47 24/12/2022

“Lỗ hổng” trong chuỗi cung ứng thuốc kháng sinh toàn cầu

Hoài Phương

Các gia đình trên khắp thế giới đang tụ họp để ăn mừng lễ Giáng sinh, đêm Giao thừa và các ngày lễ mùa Đông khác. Nhưng không may, những ngày lễ lớn này lại diễn ra đúng thời điểm có nhiều dịch bệnh cùng lúc lan truyền…

Ảnh: iNews
Ảnh: iNews

Tại Mỹ, Canada và các nước châu Âu, trong suốt nhiều tuần, các bệnh viện nhi đã phải đối phó với tình trạng quá tải do sự gia tăng bất thường của số ca nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) và nhiễm cúm. Các ca mắc Covid-19 cũng đang có dấu hiệu gia tăng trở lại và kết quả phân tích của CNN cho thấy các bệnh viện đang hoạt động với công suất cao hơn bình thường.

KHAN HIẾM KHÁNG SINH TRÊN DIỆN RỘNG

Theo CNN, mùa cúm năm nay tại Mỹ đến nhanh và mạnh hơn mọi năm. Tuần trước, cơ quan liên bang tuyên bố sẽ cho phép các bang sử dụng Tamiflu trong kho dự trữ liên bang cũng như liệu trình điều trị của loại thuốc này. Mùa cúm này đến sau đợt bùng phát của RSV – virus hợp bào hô hấp - ở trẻ em và các ca bệnh đang một lần nữa tăng lên. Tình trạng thiếu thuốc điều trị đã xuất hiện tại các cửa hàng trên khắp đất nước, đặc biệt là cho trẻ em.

Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Xavier Becerra và Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Robert Califf đã tổ chức các cuộc đối thoại với người đứng đầu của các công ty dược phẩm để thảo luận về các biện pháp khắc phục mà các nhà sản xuất đưa ra.

Trên mạng xã hội, các gia đình cho biết họ đã tìm kiếm Tamiflu và các loại thuốc kháng sinh như Amoxicillin và Augmentin trong nhiều giờ liền nhưng không được. Hiện tại, Hiệp hội Dược sĩ Hệ thống Y tế Mỹ cũng đưa ra cảnh báo cho tình trạng thiếu thốn trầm trọng các loại thuốc.

Tình trạng thiếu thuốc khiến rất nhiều các cơ quan y tế, các y, bác sĩ trong ngành lo ngại. Tiến sĩ Stacene Maroushek, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe Hennepin ở Minnesota, cho biết trong 25 năm hoạt động trong ngành, bà chưa từng thấy trường hợp nào như thế này. Rất nhiều gia đình không được nghỉ ngơi, họ mắc hết bệnh này đến bệnh khác. Và bây giờ tác dụng phụ của nhiễm trùng tai và viêm phổi đang dẫn đến tình trạng thiếu Amoxicillin.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã phải có những hoạt động giúp giảm tình trạng thiếu hụt thuốc, đưa ra hướng dẫn cho các dược sĩ cách pha chế Amoxicillin dạng lỏng cho trẻ em từ dạng thuốc viên.

Cả Mỹ và Canada đều đang báo cáo tình trạng thiếu thuốc có chứa kháng sinh amoxicillin.
Cả Mỹ và Canada đều đang báo cáo tình trạng thiếu thuốc có chứa kháng sinh amoxicillin.

Tương tự, chính phủ Anh cho biết nước này đang thiếu hụt trầm trọng kháng sinh Phenoxymethylpenicillin, còn được gọi là penicillin V. Tính đến nay, ít nhất 19 trẻ em ở Vương quốc Anh đã tử vong do nhiễm trùng Streptococcus nhóm A (Strep A) nghiêm trọng và do thiếu các loại kháng sinh. Các bác sĩ và nhiều ông bố bà mẹ nói rằng họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thuốc kháng sinh để điều trị Strep A - loại vi khuẩn thường gây đau họng, sốt và các triệu chứng giống như cúm, theo hãng tin AP.

Các hiệu thuốc đã hết hàng, còn một số cửa hàng cho biết họ đang bị tính phí tới 19 bảng Anh cho một hộp kháng sinh trị Strep A, trong khi giá bình thường chỉ vài bảng Anh. Điều này khiến các hiệu thuốc mất hàng ngàn bảng mỗi tuần, vì họ chỉ có thể thu lại một phần chi phí từ Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) do nhà nước điều hành. Cơ quan quản lý của Vương quốc Anh đã công bố một cuộc điều tra nhắm vào các công ty dược phẩm vì họ đã tăng giá thuốc khi nhu cầu tăng cao.

Về tình trạng thiếu hụt penicillin, Bộ trưởng Y tế Will Quince thừa nhận nhu cầu tăng đột biến đã khiến một số công ty không thể đáp ứng đủ đơn thuốc. Ông nói rõ rằng tạm thời sẽ thiếu lượng lớn kháng sinh điều trị bệnh Strep A và Scarlet Fever. Chính phủ Anh đang làm việc với các nhà sản xuất để tăng nguồn cung. Tại EU, 25 trong số 27 quốc gia thành viên đã báo cáo cho Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) việc bị thiếu một số loại kháng sinh.

NÚT THẮT CỔ CHAI CỦA NGÀNH DƯỢC PHẨM

Có thể nói, sự gia tăng số ca nhiễm trùng sau khi các quốc gia dỡ bỏ các hạn chế về đại dịch đã dẫn đến tình trạng thiếu thuốc kháng sinh như penicillin và amoxicillin, càng cho thấy rõ hơn tình trạng bấp bênh của chuỗi cung ứng thuốc kháng sinh toàn cầu.

Bà Lisa Hedman, trưởng nhóm cung cấp và tiếp cận thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết trong số 35 quốc gia có dữ liệu mà WHO thu thập, 80% bị thiếu hụt thuốc kháng sinh liên quan đến amoxicillin.

Trong thời kỳ đại dịch, nhu cầu về thuốc kháng sinh giảm, kết hợp với sự căng thẳng nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng khiến các nhà sản xuất thuốc phải thu hẹp quy mô sản xuất. Tiếp đó, khi nhiều quốc gia trải qua mùa đông đầu tiên không bị phong tỏa, áp lực nguồn cung và các yêu cầu pháp lý đang khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc mở rộng quy mô sản xuất thuốc.

 
Trong chuỗi cung ứng dược phẩm, các nút thắt cổ chai cũng xảy ra vì "các quốc gia không ngờ rằng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp sẽ tấn công mạnh như vậy".

Theo ông Adrian van den Hoven từ Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm châu Âu, sau hai năm phong tỏa, các nhà sản xuất thuốc kháng sinh khó dự đoán chính xác nhu cầu gia tăng trong mùa đông này. Trong khi đó, ông Jasovský của tổ chức viện trợ Médecins Sans Frontières (MSF) cho biết nguồn dự trữ kháng sinh đã cạn kiệt.

Thực tế là, hầu hết các thành phần dược phẩm tích cực trên thế giới hiện nay đều đến từ Ấn Độ và Trung Quốc, chứ không phải từ châu Âu. Chưa kể chuỗi cung ứng kháng sinh có thể mất ​​4 - 6 tháng từ sản xuất đến phân phối.

Các nhà sản xuất cho biết chuỗi cung ứng hiện đang cố gắng bắt kịp nhu cầu đột ngột quay trở lại sau hai năm đại dịch.
Các nhà sản xuất cho biết chuỗi cung ứng hiện đang cố gắng bắt kịp nhu cầu đột ngột quay trở lại sau hai năm đại dịch.

Bên cạnh đó, có một thực tế cản trở việc phát triển các loại kháng sinh mới, đó là trong khi các nhà sản xuất thuốc phải bỏ nhiểu nỗ lực, tiền bạc và thời gian để một sản phẩm kháng sinh được cấp phép lưu hành, lợi nhuận thu về còn khiêm tốn do loại thuốc này càng ít được sử dụng càng tốt để hạn chế tình trạng kháng thuốc.

Hậu quả là phần lớn dự án phát triển thuốc kháng sinh diễn ra trong một số phòng thí nghiệm của các công ty dược phẩm sinh học nhỏ, bởi phần lớn các đối tác lớn hơn của họ tập trung vào những dược phẩm nhiều lợi nhuận.

Hiện chỉ có một số ít công ty dược phẩm lớn đang phát triển thuốc kháng sinh, trong đó có GSK và Merck, giảm rất nhiều so với số lượng hơn 20 công ty nghiên cứu và phát triển thuốc kháng sinh trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tổng Giám đốc Hiệp hội Các nhà sản xuất dược phẩm quốc tế, ông Thomas Cueni cho rằng cần có cam kết chính trị khẩn cấp để hành động trong vấn đề này.